Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hồi tháng 2/2022 tại Moscow. Ảnh: EPA-EFE |
Hãng tin RT trích lời nhà lãnh đạo Belarus trước Quốc hội nước này: "Tôi và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể quyết định và triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược ở đây nếu cần". Đồng thời, ông Lukashenko cho biết động thái này sẽ thể hiện sự sẵn sàng bảo vệ "chủ quyền và độc lập" của 2 quốc gia, đặc biệt trước bất kỳ động thái thù địch nào của Mỹ và các đồng minh.
Cụ thể, ông tuyên bố: “Không gì có thể dừng chúng tôi bảo vệ quốc gia và người dân”. Với việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược tại Belarus, ông hy vọng sẽ giúp “cảnh tỉnh tất cả những con diều hâu bên kia Đại Tây Dương trong một thời gian dài”.
Ở một diễn biến khác, ông Lukashenko cũng cho biết đã lệnh cho quân đội khôi phục các cơ sở được sử dụng để lưu giữ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol. Những địa điểm này cũng từng là địa điểm phóng tiềm năng của chúng vào thời Liên Xô. Theo tổng thống, Belarus đã giữ lại tất cả các cơ sở mà ông gọi là "công trình kỹ thuật phức tạp" này.
Hiện Nga sử dụng 2 loại tên lửa đạn đạo liên lục địa là Topol-M và Yars - phiên bản nâng cấp của tên lửa Topol do Liên Xô sản xuất được phát triển từ những năm 1980. Các tên lửa có thể được đặt trong silo hoặc đặt trên các bệ di động có bánh xe tự hành. Một số phiên bản di động của tên lửa Topol ban đầu đã được triển khai tới Belarus trong thời kỳ Xô Viết.
Hệ thống Iskander có khả năng mang vũ khí hạt nhân sẽ được Nga triển khai tới Belarus sớm nhất là vào mùa hè năm nay. Ảnh: TASS |
Mọi chuyện bắt đầu ngày 25/3 khi Tổng thống Putin tuyên bố triển khai vũ khí chiến thuật của Nga tới Belarus. Tuy nhiên, ông không nêu mốc thời gian triển khai cụ thể mà chỉ cho biết một cơ sở lưu trữ đặc biệt dành cho chúng sẽ sẵn sàng vào ngày 1/7 tới.
Đây là quyết định được đưa ra sau khi Vương quốc Anh thông báo về kế hoạch cung cấp vũ khí uranium nghèo cho Ukraine sử dụng trên chiến trường. Tại thời điểm đó, Nga chỉ trích hành động của Anh là dấu hiệu của "sự liều lĩnh tuyệt đối, vô trách nhiệm và không bị trừng phạt" từ phía London và Washington. Đồng thời, nước này khẳng định có tất cả các công cụ cần thiết để đáp trả.
Về phía Belarus, Tổng thống Lukashenko đã nhiều lần công khai thể hiện thái độ ủng hộ việc triển khai vũ khí hạt nhân của Nga với lý do là các mối đe dọa từ phương Tây. Cụ thể hồi tháng 10/2022, ông nhắc tới các cuộc đàm phán "chia sẻ hạt nhân" giữa Washington và Warsaw, đồng thời cảnh báo rằng vũ khí hạt nhân có thể được bố trí ở Ba Lan, nơi giáp biên giới với Belarus.
Các quốc gia phương Tây có những phản ứng khác nhau trước thông tin này. NATO ngày 26/3 chỉ trích bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin là "nguy hiểm và vô trách nhiệm". Trong khi đó, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby trong cùng ngày cho biết Mỹ không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga đã dịch chuyển bất kỳ vũ khí hạt nhân nào.
Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 26/3 lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Moscow tại Belarus và kêu gọi cuộc họp khẩn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để giải quyết động thái này. Trong đó, Kiev kêu gọi Belarus "ngăn chặn việc thực hiện ý định triển khai vũ khí hạt nhân" của Nga, cho rằng điều này là "vi phạm nghĩa vụ theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)".
Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết đang mong chờ các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần "có trách nhiệm đặc biệt trong việc ngăn chặn các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân" của Moscow.
Ukraine cũng đồng thời kêu gọi nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo chính quyền Belarus về "hậu quả lâu dài" của nước này nếu tiếp nhận vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.