Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành "Đạo luật Trách nhiệm Tài chính năm 2023". Ảnh: Twitter @The White House |
“Tôi vừa ký thành luật một thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng, nhằm ngăn nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên, trong khi giảm thâm hụt, bảo vệ chương trình an sinh xã hội và y tế, cũng như hoàn thành nghĩa vụ với các cựu chiến binh Mỹ. Giờ đây, chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới”, Tổng thống Biden viết trên Twitter, theo CNN.
Cùng ngày, Nhà Trắng đã gửi lời cảm ơn đến các lãnh đạo của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện. "Cảm ơn Chủ tịch McCarthy, lãnh đạo Jeffries, lãnh đạo Schumer và lãnh đạo McConnell vì sự hợp tác của họ", Nhà Trắng cho biết.
Ông Biden phát biểu tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ngày 3/6. Ảnh: AP |
Các quan chức sau đó đã công bố đoạn video dài 10 giây quay cảnh ông Biden ký vào văn bản tại Nhà Trắng. "Việc đạt được thỏa thuận này rất quan trọng và đó là tin rất tốt cho người dân Mỹ. Chúng tôi đã ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế và một sự sụp đổ kinh tế", ông Biden nói. "Không ai có mọi thứ mà họ muốn. Nhưng người dân Mỹ đã có những gì họ cần".
Theo Reuters, thỏa thuận về trần nợ công do Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua sẽ tạm thời đình chỉ trần nợ cho đến ngày 1/1/2025, ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Ngoài việc giải quyết trần nợ, luật còn hạn chế chi tiêu phi quốc phòng, nhất trí thu hồi quỹ Covid-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.
Chủ tịch Hạ viện McCarthy và Tổng thống Biden đạt thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công vào cuối ngày 27/5, sau nhiều tuần đàm phán. Hạ viện và Thượng viện Mỹ sau đó cũng thông qua luật ngăn Mỹ vỡ nợ, dù đã vấp phải phản đối từ cả hai bên.
Các nhà lập pháp Mỹ đã chạy đua với thời gian trước hạn chót 5/6 - ngày mà Bộ Tài chính nước này cảnh báo rằng họ sẽ không thể thanh toán đầy đủ và đúng hạn tất cả các nghĩa vụ nợ. Đây được coi là một kịch bản có thể kích hoạt thảm họa kinh tế toàn cầu.
Năm 2011, cuộc chiến trần nợ tương tự trong lưỡng đảng Mỹ đã đưa nước này đến bờ vực của vỡ nợ. Quốc hội Mỹ cuối cùng đã ngăn chặn được thảm họa vỡ nợ, nhưng nền kinh tế đã chịu thiệt hại, khiến xếp hạng tín dụng của quốc gia này lần đầu tiên bị hạ bậc.