Toà nhà văn phòng CTCP Đầu tư Thế giới Di động. |
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các công ty lớn niêm yết trên sàn chứng khoán đều đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2023, qua đó cho thấy lượng tiền mặt nắm giữ - thể hiện sự vững mạnh về tài chính của doanh nghiệp.
Vị trí quán quân tiền mặt trên sàn tiếp tục thuộc về Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas, mã GAS) với 40.767 tỷ đồng, tăng gần 6.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, gần 12.500 tỷ đồng là tiền mặt và tương đương tiền, còn lại là tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng.
Nhờ khoản tiền gửi lớn đó mà 6 tháng đầu năm, GAS thu về tới 1.033 tỷ đồng tiền lãi, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. So với chi phí lãi vay chỉ 124 tỷ đồng, công ty vẫn “đút túi” hơn 900 tỷ đồng. Con số này đóng góp 14% cho lợi nhuận sau thuế của GAS.
Ở vị trí thứ hai chính là doanh nghiệp thép đầu ngành – Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG), với 36.100 tỷ đồng tiền mặt. Trong đó, số dư tiền gửi kỳ hạn ngắn hạn đã giảm gần 5.000 tỷ so với cuối quý 1, xuống dưới 23.000 tỷ đồng. Ngược lại, tiền và tương đương tiền đã tăng khoảng 5.500 tỷ sau quý 2 lên trên 13.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn triển khai Dung Quất 2, Hòa Phát luôn phải sẵn sàng một lượng tiền mặt khổng lồ. Nửa đầu năm ngoái, tập đoàn còn nắm giữ đến 2 tỷ USD tiền mặt. Con số này sau đó đã giảm dần về cuối năm 2022 và duy trì quanh mức 35.000 tỷ trong 6 tháng đầu năm nay.
Quý 2 vừa qua, lãi tiền gửi và cho vay của Hòa Phát lên đến 571 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi hoạt động. Khoản tiền lãi này giúp hỗ trợ cho tập đoàn một nửa chi phí lãi vay (1.028 tỷ đồng). Thời điểm cuối quý 2/2023, tổng vay nợ của HPG khoảng hơn 60.000 tỷ đồng.
Ở vị trí thứ 3 là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (mã ACV). Đây là doanh nghiệp “sống khoẻ” nhờ lãi tiền gửi nhiều năm qua, ngay cả khi dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không.
Tại thời điểm cuối quý 2/2023, ACV có 31.274 tỷ đồng tiền mặt, giảm hơn 1.700 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn là hơn 29.500 tỷ đồng, giúp mang về 828 tỷ đồng tiền lãi trong 6 tháng đầu năm. Mặt khác, dù vay nợ hơn 11.000 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay mà ACV phải trả chỉ 34 tỷ đồng. Nhờ đó, khoản tiền lãi đóng góp 19% cho tổng lợi nhuận công ty.
Vị trí thứ 4 tiếp tục là một doanh nghiệp ngành dầu khí - CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR). Tại thời điểm cuối tháng 6, công ty nắm giữ tới 19.875 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, giảm hơn 2.800 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn là 9.372 tỷ đồng, tăng hơn 7.000 tỷ đồng.
Tổng cộng, BSR có tới 29.230 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 39% tài sản. Số tiền gửi mang về 762 tỷ đồng tiền lãi cho BSR trong nửa đầu năm, tương ứng mỗi ngày nhận gần 3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, BSR đang có 2.734 tỷ đồng tại ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương bị tạm dừng giao dịch. Tình trạng này kéo dài từ năm 2015, sau khi vụ án xảy ra tại OceanBank được khởi tố. Một phần tiền gửi sau đó được rút nhưng vẫn duy trì ở con số trên từ năm 2016 tới nay và vẫn được hưởng lãi.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) vươn lên vị trí thứ 5 sau khi tăng nắm giữ thêm 8.500 tỷ đồng tiền mặt so với đầu năm, nâng tổng số lên 27.160 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, tập đoàn thu về 524 tỷ đồng tiền lãi cho vay, trong khi chi phí lãi vay là 463 tỷ đồng..
Tập đoàn FPT (mã FPT) cũng tích cực tích trữ tiền mặt trong bối cảnh lãi suất cao. Doanh nghiệp đầu ngành công nghệ có thêm 7.200 tỷ đồng tiền mặt sau 6 tháng, nâng tổng số lên 26.700 tỷ đồng. Nhờ đó, FPT thu về 753 tỷ đồng lãi tiền gửi trong 2 quý đầu năm, gấp đôi so với chi phí lãi vay.
Ngoài top 6 kể trên, một số doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt trên 20.000 tỷ đồng.
Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) có 22.397 tỷ đồng, chiếm 67% tổng tài sản. Trong nửa đầu năm nay, công ty thu về hơn 684 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng.
Tập đoàn Vingroup (mã VIC) có hơn 23.000 tỷ đồng, giảm gần 10.000 tỷ đồng so với đầu năm. CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) có 20.664 tỷ đồng.
Đáng chú ý, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) đưa số dư tiền mặt lên đến hơn 24.400 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2, cao nhất trong lịch sử hoạt động. Con số này đã tăng 4.600 tỷ so với cuối quý 1 và cao hơn 10.200 tỷ so với cuối năm 2022.
Khoản tiền gửi lớn đã mang về cho MWG hơn 800 tỷ đồng tiền lãi trong 6 tháng đầu năm, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó giúp doanh nghiệp bán lẻ thoát lỗ trong bối cảnh phải căng mình giữa “cuộc chiến giá rẻ”.