Trong tuyên bố ngày 23/3, Toshiba đã đồng ý với thoả thuận mua lại từ một nhóm doanh nghiệp do Japan Industrial Partners (JIP) đứng đầu với giá 15,3 tỷ USD. Mức giá này cao hơn 9,7% so với giá cổ phiếu đóng cửa của Toshiba trong phiên 23/3.
Lý do cho việc mất nhiều năm Toshiba mới đi đến thỏa thuận bán này là do Chính phủ Nhật Bản muốn giữ các mảng kinh doanh và công nghệ khỏi tay nước ngoài nhưng các nhà đầu tư, cổ đông quốc tế của hãng lại chỉ muốn gia tăng lợi nhuận, qua đó dẫn đến những mâu thuẫn về việc xác định người mua phù hợp.
Bloomberg nhận định, động thái mới này sẽ chấm dứt những tranh cãi với cổ đông nước ngoài khi chủ sở hữu mới của Toshiba là một tổ chức Nhật Bản thuần tuý, gồm 17 công ty nội địa và 6 ngân hàng.
Trong 8 năm qua, Toshiba liên tiếp gặp khủng hoảng, khởi đầu từ gian lận tài chính lớn nhất lịch sử vào năm 2015. Điều này khiến lợi nhuận hoạt động của công ty bị thâm hụt và phải tái cơ cấu toàn diện.
Đến đầu năm 2017, Toshiba liên tục trễ hạn công bố báo cáo tài chính do những rắc rối tại mảng điện hạt nhân ở Mỹ. Lãnh đạo tập đoàn này đã không nghiên cứu cẩn thận việc mua lại CB&I Stone & Webster. Thương vụ này được xem là giải pháp để chi nhánh Westinghouse của Toshiba tại Mỹ hoàn thành các dự án lò phản ứng bị trì hoãn tại bang Georgia và Nam Carolina (Mỹ) khi đó. Các dự án này của họ sau đó đều bị vượt dự toán và chậm tiến độ.
Kể từ đó, ban lãnh đạo và cổ đông đã xảy ra nhiều xung đột trong việc đưa ra định hướng phát triển. Đầu năm 2022, các cổ đông đã không chấp nhận đề xuất chia tách Toshiba của ban lãnh đạo. Sự thất bại của kế hoạch này đã thúc đẩy ban lãnh đạo tìm kiếm các lựa chọn chiến lược cho tương lai của Toshiba, bao gồm cả việc bán công ty.
Nhà phân tích Mio Kato của công ty nghiên cứu LightStream cho biết, quyết định bán của Toshiba được xem là dấu hiệu tích cực vì một trong các vấn đề của công ty là thiếu chiến lược nhất quán do liên tục thay đổi định hướng.