Triển vọng ngành chứng khoán khi lãi suất giảm

SSI VND
11:04 - 24/08/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Với mặt bằng lãi suất thấp hơn, nhà đầu tư sẽ có xu hướng đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn. Điều này cũng cải thiện nhu cầu cho dịch vụ môi giới, cho vay margin.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành chứng khoán mới đây, VNDirect đánh giá ngành chứng khoán Việt Nam đang có những tiềm năng đầy hứa hẹn.

Trước hết là mức độ thâm nhập thị trường vẫn ở mức thấp. Số lượng tài khoản chứng khoán đã tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây nhưng đến cuối quý 2/2023, tỷ lệ số nhà đầu tư trên dân số Việt Nam chỉ xấp xỉ 7%, thấp hơn so với mức 7,5% của Thái Lan (đã lọc bỏ các nhà đầu tư không hoạt động) và 12,5% của Malaysia.

Hai là mức tăng trưởng thu nhập khả dụng nhanh nhất trong khu vực. Tỷ lệ thu nhập khả dụng của hộ gia đình Việt Nam ở mức cao hơn 5.000 USD/năm, liên tục tăng từ 31,5% vào cuối năm 2010 lên 58% vào cuối năm 2022. Khi người dân có nhiều thu nhập khả dụng hơn, họ có nhiều khả năng đầu tư vào các sản phẩm tài chính như cổ phiếu, trái phiếu và quỹ tương hỗ. Điều này sẽ dẫn đến nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm tài chính cũng như nguồn thu nhập cho các công ty môi giới.

Ba là nỗ lực của Chính phủ trong việc phát triển lĩnh vực dịch vụ tài chính. Hệ thống giao dịch mới (KRX) dự kiến ra mắt trong vài tháng tới được kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nâng cao năng lực với thanh khoản cao hơn (lên đến 4 tỷ USD mỗi phiên), giảm thời gian thanh toán từ T+2,5 hiện nay và giải quyết các vấn đề cần thiết để được nâng cấp lên thị trường mới nổi.

Thực tế, vốn hóa thị trường của Việt Nam/GDP chỉ đạt xấp xỉ 60% vào cuối quý 2/2023, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 120% vào cuối năm 2025, và mức hiện tại tương ứng của Thái Lan và Malaysia là 103% và 84%.

Tỷ lệ nhà đầu tư/tổng dân số ở Việt Nam vẫn ở mức thấp.
Tỷ lệ nhà đầu tư/tổng dân số ở Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Dòng tiền đã dịch chuyển từ tiết kiệm ngân hàng sang TTCK

Trong ngắn hạn, VNDirect cho rằng lãi suất đảo chiều là yếu tố thúc đẩy cho ngành dịch vụ tài chính. Kể từ giữa tháng 3/2023, lãi suất chính sách của NHNN đã giảm 4 lần, cụ thể là lãi suất chiết khấu giảm 1,5% xuống còn 3,5%/năm, lãi suất tái cấp vốn giảm 1,5% xuống còn 4,5%/năm. NHNN cũng giảm 1,25% lãi suất tối đa cho tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng xuống còn 4,75%/năm.

Mặc dù có lo ngại về tỷ giá VND khi Fed vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, công ty chứng khoán nhận định NHNN sẽ có thể duy trì mức lãi suất chính sách thấp hiện tại cho đến cuối năm 2023 do lãi suất thực ở Việt Nam vẫn cao hơn Mỹ, tỷ giá được kiểm soát nhờ dự trữ ngoại hối được lên khoảng 93 tỷ USD trong nửa đầu năm và xuất khẩu gạo sẽ phục hồi trong quý 4/2023.

Theo VNDirect, với mặt bằng lãi suất thấp hơn, nhà đầu tư sẽ có xu hướng đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn. Điều này cũng cải thiện nhu cầu cho dịch vụ môi giới, thúc đẩy giá trị giao dịch, từ đó tăng doanh thu phí giao dịch cho các công ty chứng khoán. Bên cạnh đó, hoạt động cho vay margin sẽ cải thiện khi chi phí vốn thấp hơn giúp giảm lãi suất cho vay.

Với khối lượng giao dịch trung bình đang tăng lên, nhóm phân tích tin rằng dòng tiền đã dịch chuyển từ tiết kiệm ngân hàng sang các kênh tài sản khác bao gồm thị trường chứng khoán. Tại thời điểm cuối quý 2/2023, tổng lượng tiền nhận rỗi của các nhà đầu tư (bao gồm 30 công ty chứng khoán lớn nhất về tổng tài sản) đạt khoảng 61.000 tỷ đồng, giảm 36% so với mức đỉnh cuối quý 1/2022 nhưng tăng nhẹ 3,2% so quý liền trước.

Nhìn lại 10 năm qua, thị trường thường định giá lại mỗi khi lãi suất điều hành giảm.
Nhìn lại 10 năm qua, thị trường thường định giá lại mỗi khi lãi suất điều hành giảm.

Công ty nào sẽ phục hồi lợi nhuận tốt hơn?

Quý 2/2023, lợi nhuận gộp của 30 công ty chứng khoán hàng đầu đạt xấp xỉ 8.800 tỷ đồng (tăng 38,5% so với quý trước), chủ yếu nhờ lãi hoạt động đầu tư tăng đột biến. Đặc biệt, doanh thu hoạt động đầu tư đóng vai trò động lực với mức đóng góp tăng vọt lên 54,4% sau khi dao động khoảng 10-30% trong năm 2022, nhờ sự phục hồi của thị trường. Tỷ suất lợi nhuận gộp của hoạt động đầu tư theo lĩnh vực cũng được cải thiện lên 11,1%, so với mức 5,05% trong năm 2022 và mức 8,1% trong quý 1/2023.

Với kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.300 điểm trong nửa cuối năm 2023, VNDirect dự báo tổng giá trị giao dịch tài sản tài chính tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam sẽ tăng với tốc độ tương tự (16%) lên khoảng 910.000 tỷ đồng, từ 784.000 tỷ đồng vào cuối quý 2/2023 (dữ liệu được thu thập từ top 30 công ty môi giới về quy mô tài sản).

Kết hợp với tỷ lệ cho vay ký quỹ ngành trên tổng giá trị tài sản niêm yết trong 3 năm gần đây thường rơi vào khoảng 17% đến 20%, nhóm phân tích kỳ vọng tổng cho vay ký quỹ toàn thị trường có thể đạt 155.000-180.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2023, tăng 10-30% so với mức 140.000 tỷ đồng vào cuối quý 2. Với tổng vốn chủ sở hữu của 30 công ty đạt gần 183.000 tỷ đồng vào cuối quý 2 năm 2023, con số này cho thấy tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu toàn ngành sẽ rơi vào khoảng 0,85 – 1 lần.

Tỷ lệ cho vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán.
Tỷ lệ cho vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán.

Trong thời gian còn lại của năm 2023, VNDirect cho rằng tỷ suất lợi nhuận của mảng môi giới sẽ cải thiện nhờ thanh khoản thị trường tốt hơn. Tuy nhiên, với mức độ cạnh tranh ngày càng chặt chẽ, lợi nhuận của các công ty sẽ phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động cho vay ký quỹ và hoạt động đầu tư. Do đó, các công ty có tỷ lệ khách hàng bán lẻ cao, tỷ lệ cho vay ký quỹ /vốn chủ sở hữu thấp và hoạt động đầu tư lành mạnh sẽ có khả năng phục hồi lợi nhuận tốt hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp