Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (giữa) chủ trì các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine tại Văn phòng Tổng thống ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29/3/2022. Ảnh: Anadolu Agency |
Theo RT, ông Vladimir Medinsky, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin và là trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Nga với Ukraine năm ngoái, ngày 28/11 tiết lộ rằng Ukraine đã "bỏ lỡ cơ hội" chấm dứt xung đột và cứu "hàng trăm nghìn sinh mạng" binh sĩ.
"Trong số những yêu cầu không thể thương lượng của chúng tôi là việc công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa Donbass", ông Medinsky nói với các hãng thông tấn Nga. Quan chức này nói thêm rằng Moscow cũng có "một danh sách dài các yêu cầu nhân đạo" liên quan đến "bảo vệ người dân nói tiếng Nga ở vùng Donbass".
Ông Vladimir Medinsky (thứ hai bên trái) - trưởng phái đoàn Nga và ông David Arakhamia - trưởng phái đoàn Ukraine, tham dự các cuộc đàm phán hòa bình ở vùng Gomel, Belarus, ngày 28/2/2022. Ảnh: AFP |
"Nga chưa bao giờ đặt mục tiêu chinh phục Ukraine. Mục tiêu chính của hoạt động quân sự là nhằm bảo vệ thường dân nói tiếng Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chọn chiến tranh theo lời khuyên của phương Tây", ông Medinsky nhấn mạnh.
Giới chức Ukraine hiện chưa đưa ra bình luận về các tuyên bố của quan chức đàm phán Nga. Tuy nhiên, ông David Arakhamia - Trưởng phái đoàn Ukraine tại cuộc đàm phán ở Istanbul, trước đó đã xác nhận về những tin đồn rằng cuộc xung đột giữa hai nước có thể đã kết thúc chỉ sau 2 tháng, nếu Kiev chấp nhận yêu cầu trung lập của Moscow.
"Mục tiêu của Nga là gây áp lực lên chúng tôi để chúng tôi giữ thái độ trung lập. Đây là điều quan trọng nhất đối với họ. Họ sẵn sàng kết thúc cuộc chiến nếu chúng tôi chấp nhận trung lập, giống như Phần Lan đã từng làm. Và chúng tôi sẽ phải cam kết rằng chúng tôi sẽ không gia nhập NATO", ông Arakhamia nói với đài truyền hình Ukraine 1+1 hôm 24/11.
Ông David Arakhamia trong cuộc đàm phán Nga - Ukraine ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sputnik |
Tuy nhiên, quan chức này nói rằng Kiev thực sự không tin tưởng Moscow sẽ giữ lời và không muốn đạt được một thỏa thuận như vậy mà không có sự "đảm bảo an ninh" của bên thứ ba. Ông Arakhamia cũng tiết lộ rằng, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson là người đóng vai trò quan trọng trong việc làm chệch hướng thỏa thuận hòa bình giữa Moscow và Kiev khi yêu cầu chính phủ Ukraine tiếp tục chiến đấu,
"Khi chúng tôi trở về từ Istanbul, ông Boris Johnson đã đến Kiev và nói rằng chúng tôi sẽ không ký bất cứ điều gì với người Nga. Và ông ấy nói rằng hãy tiếp tục chiến đấu", ông Arakhamia nói.
Đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu một dự thảo thỏa thuận "về tính trung lập lâu dài và đảm bảo an ninh cho Ukraine" trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Phi ở Moscow. Vào thời điểm đó, ông Putin cho biết phái đoàn đàm phán Ukraine ban đầu đã đồng ý ký một hiệp ước trung lập với Nga, trong đó cũng bao gồm về giới hạn về vũ khí hạng nặng.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào cuối tháng 2/2022, đã có nhiều nỗ lực đàm phán và xúc tiến hòa bình được đề xuất. Trong đó, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine.
Đầu tháng 4/2022, cuộc đàm phán giữa hai bên đã bị đóng băng sau khi Ukraine cáo buộc quân đội Nga sát hại dân thường ở vùng ngoại ô Bucha của thủ đô Kiev, trong khi Moscow phủ nhận điều này. Kể từ đó, Nga và Ukraine đã không ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về giải pháp hòa bình.
Đến tháng 10/2022, sau khi Nga tiến hành sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, Tổng thống Ukraine Zelensky ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Putin. Sắc lệnh này loại trừ mọi khả năng Kiev tiến hành đàm phán với Moscow khi ông Putin vẫn nắm quyền.
Nga và Ukraine đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn, trong đó Kiev tuyên bố sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi Moscow rút quân và trao trả các vùng đã sáp nhập, bao gồm cả bán đảo Crimea.
Ngược lại, Nga cáo buộc sắc lệnh cấm đàm phán của Ukraine đã cản trở các cuộc hòa đàm giữa hai nước, đồng thời yêu cầu Kiev cần phải nhìn nhận "thực tế mới về lãnh thổ" và công nhận các tuyên bố của Moscow với những khu vực đã sáp nhập.