Theo báo cáo tài chính, trong kỳ, thu nhập lãi thuần của VietBank ghi nhận hơn 364 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ cũng thu được khoản lãi gần 25 tỷ đồng, tăng 23% nhờ tăng thu từ dịch vụ thanh toán và dịch vụ bảo lãnh. Hoạt động khác lãi gần 41 tỷ đồng, tăng 51% so với quý I/2021.
Ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận lãi gần 8 tỷ đồng, sụt giảm gần 2 tỷ đồng so với cùng kỳ, giảm 22%; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng sụt giảm 54%, đem về gần 56 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt gần 121 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 55%, thu được hơn 187 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý này VietBank trích lập gần 74 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng trong khi cùng kỳ được hoàn nhập 3,3 tỷ đồng.
Kết quả, ngân hàng báo lãi trước thuế hơn 113 tỷ đồng, giảm 9%. Nếu so với kế hoạch 1.090 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm 2022, VietBank chỉ mới thực hiện được 10%.
Tính đến cuối quý I/2022, tổng tài sản của ngân hàng xấp xỉ đầu năm, ở mức 104.918 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt ghi nhận 624 tỷ đồng, tăng 13%, tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác đạt 17.114 tỷ đồng tăng 19%, tiền gửi khách hàng đạt 69.314 tỷ đồng tăng 4%.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) và Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROA) trong kỳ đều giảm, lần lượt là 1,15% và 0,09%, cho thấy ngân hàng đang quản lý và sử dụng chưa thực sự hiệu quả nguồn vốn của mình.
Chất lượng nợ vay của VietBank cũng đi lùi so với đầu năm, tổng nợ xấu tính đến 31/03/2022 tăng 22%, ghi nhận 2.242 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất. Kết quả, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ 3,65% lên 4,34%.
Tuy vậy, chia sẻ tại ĐHĐCĐ mới đây, đại diện ngân hàng cho biết, 98% các khoản cho vay của VietBank đều có tài sản đảm bảo tốt, do đó khả năng thất thoát nợ xấu hầu như không có. Ngoài ra, trong quý I/2022, ngân hàng dự kiến thu hồi 80 tỷ đồng nợ xấu, thực tế đã thu hồi được 122 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, VietBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.090 tỷ đồng, tăng 71,4% so với năm 2021; tổng tài sản đạt trên mức 130.000 tỷ đồng và nằm trong nhóm 15 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu mở rộng thị phần, tăng trưởng quy mô tổng tài sản cả về chất và lượng.
Đối với kế hoạch tăng vốn điều lệ, VietBank dự kiến tăng vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 21%. Sau khi hoàn tất việc tăng vốn, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ đạt 5.779 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn tăng thêm được dự kiến sử dụng toàn bộ cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đảm bảo các tỷ lệ an toàn toàn trong hoạt động sinh lời cho hoạt động kinh doanh VietBank.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông 2022 được tổ chức ngày 26/04 vừa qua, ông Dương Nhất Nguyên – Chủ tịch HĐQT VietBank cho biết, trong thời gian tới, ngân hàng sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp trọng tâm trên cơ sở đồng lòng, nhất trí trong toàn hệ thống, phát huy cao nhất sức mạnh của sự tập trung để tiếp tục bứt phá, hoàn thành những mục tiêu năm 2022 và góp phần thực thi thành công chiến lược đến năm 2025 là “Thay đổi để phát triển”.
Đặc biệt, VietBank tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bán lẻ. Bởi, đây là xu hướng tất yếu, là chiến lược phát triển giúp các ngân hàng đa dạng nguồn thu, giảm thiếu rủi ro hoạt động và đạt hiệu quả kinh doanh tối ưu. Trong đó, công nghệ số được coi là yếu tố then chốt để bứt phá và giành chiến thắng trong cuộc đua này.