Tỷ phú Elon Musk để ngỏ khả năng mua lại ngân hàng SVB

SVB MỸ
10:42 - 12/03/2023
Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Getty Images
Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Tỷ phú Elon Musk cho biết ông “cởi mở với ý tưởng” mua lại ngân hàng Silicon Valley (SVB), sau vụ việc ngân hàng này được thông báo đã sụp đổ hôm 10/3. 

Trong bài đăng trên Twitter ngày 11/3, ông Min-Liang Tan, đồng sáng lập kiêm CEO của Razer - một công ty lớn trong ngành công nghiệp game thế giới, đề xuất: "Tôi nghĩ Twitter nên mua SVB và trở thành một ngân hàng kỹ thuật số".

Ngay sau đó, tỷ phú Elon Musk đã bình luận dưới bài Tweet trên: "Tôi cởi mở với ý tưởng này", theo Insider.

Tỷ phú Elon Musk để ngỏ khả năng mua lại ngân hàng SVB ảnh 1

Bình luận của ông Elon Musk dưới bài Tweet của ông Min-Liang Tan.

Phản hồi của ông Musk đã thu hút hơn 6.000 bình luận trả lời và hơn 86.000 lượt thả tim. Một người dùng Twitter ủng hộ ý tưởng của ông Musk và cho rằng "đây là cơ hội".

Trong khi đó, một người dùng tên Sanjay cho rằng ông Musk có thể sẽ “bán thêm lô cổ phiếu Tesla trị giá 20 tỷ USD” nếu thực hiện ý tưởng này. Thông tin trên Twitter của Sanjay mô tả rằng anh ta là "một khách hàng và nhà đầu tư của Tesla, người hâm mộ bò tót và Elon".

Ông Musks hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận về thông tin trên từ Insider.

Hồi năm ngoái, ông Elon Musk đã thực hiện một loạt đợt bán cổ phiếu Tesla để có tiền cho thương vụ mua lại Twitter. Vị CEO này đã bán số cổ phiếu trị giá 8,5 tỷ USD vào tháng 4, 6,9 tỷ USD vào tháng 8, 3,95 tỷ USD vào tháng 11 và 3,6 tỷ USD vào tháng 12. Tổng giá trị cổ phiếu mà ông bán ra lên tới gần 23 tỷ USD.

Trước đó, ngày 10/3, các cơ quan quản lý Mỹ thông báo ngân hàng Silicon Valley (SVB) - cơ sở cho vay quen thuộc với nhiều công ty khởi nghiệp tại nước này, đã ngừng hoạt động. Đây được coi là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất nước này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008 và khiến cổ phiếu ngân hàng toàn cầu lao dốc.

Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo sau đó đã lên tiếng trấn an người dân về sức khỏe của hệ thống ngân hàng Mỹ sau sự việc của SVB. "Giới chức liên bang đang theo dõi định chế tài chính này. Hiện tại, chúng tôi vẫn rất tự tin vào sức khỏe của toàn hệ thống", ông cho biết, theo CNN.

Theo giới phân tích, SVB là trường hợp cá biệt, sụp đổ do lãi suất tăng nhanh và tiền gửi không đa dạng, nên khó châm ngòi cuộc khủng hoảng tài chính như 2008. Tuy nhiên, những gì xảy ra với SVB cũng là hồi chuông cảnh báo các ngân hàng khi hoạt động trong môi trường kinh tế hay thay đổi.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Những "ngân hàng không ngủ"

Những "ngân hàng không ngủ"

Hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam đều đang triển khai các chương trình chuyển đổi số, ở những mức độ khác nhau. Nâng cao trải nghiệm khách hàng là một trong những khâu có sự thay đổi mạnh mẽ và dễ nhận diện nhất.