Thu hoạch lúa mì trên cánh đồng gần làng Zghurivka ở vùng Kiev, Ukraine. Ảnh: Reuters |
Ukraine là một quốc gia trồng và xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới. Tuy nhiên kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2/2022, sản lượng ngũ cốc và xuất khẩu của quốc gia này đã sụt giảm mạnh. Cụ thể theo Reuters trích dẫn thông báo chính thức của chính phủ Ukraine, sản lượng ngũ cốc giảm xuống còn khoảng 53 triệu tấn vào năm 2022 từ mức kỷ lục 86 triệu tấn của năm 2021.
Đối với cả năm 2023, sản lượng được dự đoán sẽ còn giảm sâu nữa xuống mức 44,5 triệu tấn. Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine trước đó vào ngày 2/6 cũng từng dự đoán rằng sản lượng ngũ cốc vụ đông năm 2023 vào khoảng 18 triệu tấn, hoặc thấp hơn 20% so với năm 2022. Lúa mì thường chiếm ưu thế trong vụ thu hoạch ngũ cốc mùa đông của Ukraine và chiếm tới 95% tổng sản lượng lúa mì của cả nước.
Theo báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Quốc gia Ukraine, "nhìn chung, điều kiện thời tiết trong hầu hết vụ xuân đủ thuận lợi cho sự tăng trưởng và phát triển của cây ngũ cốc vụ đông". Tuy nhiên, trong trường hợp thời tiết khô hạn tiếp tục kéo dài trong thời kỳ hạt ngũ cốc hình thành, đặc biệt là khi nhiệt độ không khí cao, cơ quan này cho biết “tỷ lệ sản lượng bị mất có thể từ 15% đến 20%".
Đặc biệt, các nhà khoa học từ Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Quốc gia Ukraine cũng cảnh báo các loại cây trồng được gieo muộn đặc biệt gặp rủi ro lớn khi đứng trước các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Ở một diễn biến khác, ngũ cốc Ukraine cũng đang phải đối mặt với lệnh cấm nhập khẩu từ các quốc gia Đông Âu láng giếng với nước này. Ngay sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2/2022, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Kiev qua Biển Đen bị gián đoạn.
EU sau đó đã cho phép nhập khẩu nông sản miễn thuế từ Ukraine với mục đích giúp nước này tiếp cận khách hàng ở châu Phi và Trung Đông. Tuy nhiên trên thực tế, một phần lớn ngũ cốc xuất khẩu của nước này lại bị mắc kẹt tại EU, đặc biệt là tại các quốc gia nằm ở phía đông của khối.
Việc một số lượng lớn ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn ngập thị trường đã khiến nhiều nông dân địa phương gặp khó do nó khiến giá ngũ cốc nội địa sụt giảm. Việc xuất khẩu miễn thuế, kết hợp với những khó khăn trong việc bán ngũ cốc đã khiến giá giảm mạnh hơn nữa.
Ước tính nông dân các nước Ba Lan, Romania, Hungary, Bulgaria và Slovakia thiệt hại khoảng 455 triệu USD vì ngũ cốc Ukraine rẻ hơn. Điều này khiến nhiều khu vực tại đây nổ ra các cuộc biểu tình phản đối ngũ cốc Ukraine và dẫn tới việc chính phủ Ba Lan cùng Hungary cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 16/4 chỉ trích quyết định cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine của Hungary và Ba Lan là hành động đơn phương “không thể chấp nhận được” và đi ngược lại nguyên tắc của khối. Tuy nhiên điều này không thay đổi quan điểm của các quốc gia Đông Âu.
Vốn các lệnh hạn chế nhập khẩu của Ba Lan, Hungary, Slovakia và Bulgaria kéo dài tới 5/6 như một phần của thỏa thuận với EC. Thỏa thuận này cho phép ngũ cốc Ukraine quá cảnh sang các quốc gia thành viên EU khác và có tác dụng thay thế các lệnh cấm nhập khẩu đơn phương được áp đặt khi giá ngũ cốc sụt giảm.
Tuy nhiên tới ngày 5/6, Bộ Nông nghiệp Ba Lan cho biết các quốc gia trên có khả năng sẽ tiếp tục gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine cho tới 15/9. Cụ thể trên Twitter, Bloomberg trích dẫn Bộ nông nghiệp Ba Lan cho biết cơ quan này đã nhận được một dự thảo đề xuất gia hạn lệnh cấm cho đến ngày 15/9. Dù vậy, quyết định này vẫn chưa được đưa ra chính thức.
Về phía Ukraine, nước này kêu gọi EU chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu nông sản sang các nước láng giềng Đông Âu với nguyên nhân những hạn chế này có lợi cho Nga.