Ukraine mất 1/4 diện tích đất canh tác ở một số khu vực miền đông và miền nam. Ảnh: NPR |
“Mặc dù mất 25% diện tích đất canh tác, nhưng cơ cấu cây trồng năm nay vẫn đủ để đảm bảo lương thực cho người dân. Tình hình hiện tại ở các khu vực canh tác không gây ra mối đe dọa đối với an ninh lương thực của Ukraine”, AFP dẫn phát biểu của ông Taras Vysotskiy trong cuộc họp báo.
Ông cho biết, mức tiêu dùng trên toàn quốc đã giảm "do người dân đã đi sơ tán trong nước và ra nước ngoài”. Theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), hơn 7 triệu người đã phải di tản trong lãnh thổ Ukraine. Thêm vào đó, 7,3 triệu người đã khác rời khỏi đất nước và hơn nửa trong đó đến Ba Lan.
Thứ trưởng Vysotskiy nhấn mạnh rằng: “Nông dân Ukraine đã chuẩn bị tương đối tốt cho mùa vụ trước khi xung đột xảy ra. Vào tháng 2, Ukraine đã nhập khẩu khoảng 70% lượng phân bón cần thiết, 60% sản phẩm về bảo vệ cây trồng và khoảng 1/3 lượng nhiên liệu cần thiết để gieo trồng”.
Người nông dân mặc áo chống đạn khi làm việc trên cánh đồng, vùng Zaporizhzhia, Ukraine, ngày 26/4. Ảnh: Reuters |
Vị quan chức này cũng cáo buộc việc lực lượng Nga đã kiểm soát một số khu vực và liên tục phong tỏa các cảng ở Biển Đen và Biển Azov, ngăn cản hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, đã khiến nông dân Ukraine "phải thay đổi số lượng gieo trồng”.
Trong khi ông Vysotskiy khẳng định rằng cuộc chiến không đe dọa đến nguồn cung lương thực trong nước của Ukraine, nhưng Liên Hợp Quốc đã đưa cảnh báo rằng cuộc xung đột có thể đẩy hàng chục triệu người trên toàn cầu rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, với nguy cơ suy dinh dưỡng và đói ăn.
Tổng thống Zelensky hôm 9/6 cảnh báo, thế giới đang đứng trước bờ vực của một "cuộc khủng hoảng lương thực khủng khiếp", khi khoảng 20-25 triệu tấn ngũ cốc đang bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine. Con số này có thể tăng lên tới 70-75 triệu tấn vào mùa thu.
Trước khi chiến sự xảy ra, Nga và Ukraine lần lượt là các nhà cung cấp lúa mì và ngô lớn nhất và lớn thứ tư thế giới. Hai nước đóng góp tới 19% nguồn cung lúa mạch, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm tỷ trọng hơn 30% vào lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.
Một kho hạt hướng dương bốc cháy sau khi bị pháo kích tại ngoại ô thành phố Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 31/5. Ảnh: EPA-EFE |
Trong thời gian qua, Ukraine và các nước phương Tây đã liên tục cáo buộc Nga phong tỏa các cảng của Kiev ở Biển Đen và kiểm soát khu vực ven biển Azov, khiến nước này không thể xuất khẩu ngũ cốc tới nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, phía Nga bác cáo buộc trên và cảnh báo chính Ukraine đã rải thủy lôi tại những tuyến hàng hải này, gây cản trở các con tàu thương mại ra vào.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow “sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine” để xoa dịu cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu. Có 4 tuyến đường chính có thể vận chuyển ngũ cốc của Ukraine do Nga đưa ra đang được các bên (gồm Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc) thảo luận và thúc đẩy. Trong đó có tuyến đường vận chuyển ngũ cốc qua cảng Berdyansk và Mariupol, Odessa, qua các nước phương Tây và Belarus.
Về phía Nga, các chuyến tàu chờ ngũ cốc xuất khẩu chỉ có thể rời cảng sau khi mìn được gỡ bỏ khỏi vùng biển xung quanh. Ngoài ra, nhằm ngăn chặn khả năng các quốc gia khác chuyển giao vũ khí cho Ukraine, Nga kiên quyết yêu cầu kiểm tra tất cả các tàu đến cảng.
Trong khi đó, các quốc gia phương Tây và cả Ukraine đều đồng loạt từ chối sáng kiến về tuyến đường ở Belarus do liên quan tới việc loại bỏ các lệnh trừng phạt đang áp đặt lên nước này.