Một tàu đổ bộ của Hải quân Nga được nhìn thấy từ thành phố Kerch, Crimea, tháng 7/2023. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, trong một tuyên bố ngày 4/11, Bộ Quốc phòng Nga báo cáo lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 13 trong số 15 tên lửa do Ukraine phóng, trong khi một tên lửa bắn trúng một con tàu trong xưởng đóng tàu B. E. Butoma. Bộ Quốc phòng Nga không cho biết tên con tàu đó.
Cùng ngày, quân đội Ukraine thông báo họ đã tập kích vào một xưởng đóng, sửa chữa tàu của Nga trên bán đảo Crimea. "Tối 4/11, quân đội Ukraine đã tập kích thành công vào hạ tầng cảng của nhà máy đóng, sửa chữa tàu Butoma (Zalyv) ở thành phố Kerch".
Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola O Meatchuk viết trên Telegram rằng xưởng tàu bị tập kích ở Kerch là nơi Hải quân Nga cho đồn trú một trong những tàu hiện đại nhất của họ - tàu sân bay mang tên lửa hành trình Kalibr.
"Tôi nghĩ rằng một con tàu khác của Nga đã ra đi với Moskva!", ông Meatchuk cho hay, đề cập đến soái hạm Moskva thuộc Hạm đội biển Đen của Nga. Tàu chiến đó được cho là đã bị đắm sau khi trúng tên lửa Ukraine vào ngày 14//4/2022.
Ông Sergei Aksyonov, người đứng đầu chính quyền Crimea do Nga bổ nhiệm, cho biết không có thương vong trong vụ tấn công vào xưởng đóng tàu ở Kerch. Theo một số kênh Telegram theo dõi cuộc xung đột Nga - Ukraine, một tàu sân bay mang tên lửa hành trình nhỏ Askold của Nga đã bị hư hại trong cuộc tấn công.
Reuters hiện chưa xác thực được các thông tin trên.
Thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhaev tại hiện trường vụ cháy xưởng đóng tàu ở Sevastopol, bán đảo Crimea, ngày 13/9. Ảnh: Telegram |
Crimea tách khỏi Ukraine ngay sau sự kiện được phía Nga gọi là cuộc đảo chính Maidan năm 2014 nhằm lật đổ Tổng thống Ukraine lúc bấy giờ là Viktor Yanukovich. Sau đó, bán đảo này tiến hành trưng cầu dân ý và gia nhập Liên bang Nga với sự ủng hộ của phần lớn dân số.
Kể từ đó, việc giành lại Crimea đã trở thành một trong những chủ đề nóng nhất tại Ukraine. Khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng nhiều quan chức khác đã nhiều lần khẳng định mong muốn giành lại Crimea vì "đây là lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi".
Quân đội Ukraine đã mở nhiều đợt tập kích bằng tên lửa, máy bay không người lái (UAV) và xuồng tự sát nhằm vào các mục tiêu trên bán đảo. Hôm 12/8, lực lượng phòng không Nga tuyên bố ngăn chặn một cuộc tấn công của Kiev bằng tên lửa hành trình S-200 được chuyển đổi thành biến thể tấn công mặt đất vào cầu Crimea và bắn hạ 20 UAV nhằm vào bán đảo này.
Hôm 16/8, Giám đốc Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) Vasyl Maliuk thừa nhận Kiev đứng sau vụ tấn công cầu Crimea bằng xuồng không người lái hôm 17/7. Ông tiết lộ rằng đây là kết quả của nhiều tháng chuẩn bị trong chiến dịch phối hợp giữa SBU và Hải quân Ukraine. Bên cạnh đó, lãnh đạo SBU cũng nhận trách nhiệm về cuộc tấn công đầu tiên vào cầu Crimea vào ngày 8/10/2022.
Ngày 13/9, quân đội Ukraine đã tập kích vào xưởng đóng và sửa chữa tàu ở thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea, khiến một tàu ngầm và một tàu đổ bộ cỡ lớn của Nga bị phá hủy. Ngày 22/9, Kiev cũng tuyên bố đã tập kích trụ sở Hạm đội Biển Đen Nga tại Sevastopol, làm hư hại tòa nhà và khiến hàng chục quân nhân Nga thiệt mạng và bị thương.