VCB 'bốc đầu' về đỉnh cũ, khối ngoại bán ròng EIB gần 700 tỷ đồng

EIB VCB
16:17 - 07/07/2023
Giao dịch sàn HoSE phiên 7/7.
Giao dịch sàn HoSE phiên 7/7.
0:00 / 0:00
0:00
Sau phiên điều chỉnh, VN-Index lại có phiên phục hồi mạnh, tiến sát vùng 1.040 điểm. Tuy nhiên khối ngoại giao dịch tiêu cực với việc bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng, "xả" mạnh EIB và VHM.

Kết phiên 7/7, VN-Index tăng gần 12 điểm so với kết phiên trước, chốt tuần đầu tiên của tháng 7 ở mốc 1.038,07 điểm. HNX-Index cũng tăng 0,7 điểm còn UPCoM giảm 0,43 điểm.

Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt gần 19.000 tỷ đồng, riêng khối ngoại chiếm gần 4.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng trên sàn HoSE, với mã EIB bị bán ròng 685 tỷ đồng. VHM cũng bị bán ròng 438 tỷ đồng, KDC bị bán ròng 203 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có VNM 90 tỷ đồng, NLG 60 tỷ đồng, PNJ 54 tỷ đồng, VND 47 tỷ đồng, POW 37 tỷ đồng…

Chiều mua ròng dẫn đầu là VCB với 155 tỷ đồng. HPG tiếp tục được mua ròng 73 tỷ đồng. Khối ngoại còn chi tiền gom GMD 41 tỷ đồng, STB 30 tỷ đồng, VHC 28 tỷ đồng, HSG, DCM, GAS, SHB, PTB…

VN-Index tăng điểm mạnh nhờ trợ lực từ nhóm vốn hóa lớn. VCB với mức tăng 4,3% đã đóng góp hơn 5 điểm cho chiều tăng của chỉ số. Với mức tăng này, VCB test lại vùng đỉnh cũ tại mức giá 105.000 đồng/cp. Mức đỉnh lịch sử này vừa mới được xác lập vào phiên 16/6, giúp vốn hóa của Vietcombank đạt gần 500.000 tỷ đồng, vượt xa các ngân hàng khác.

Mã tăng mạnh nhất trong VN30 là MWG +5,3%. PDR và GVR tăng hơn 2%. Đa số các mã còn lại cũng tăng trên dưới 1%. Chiều giảm chỉ có MSN, POW, SAB, TPB, VHM, VIC, VJC; với mức giảm mạnh nhất 1,6% thuộc về SAB.

Sự bứt phá của MWG giúp vốn hóa nhóm bán lẻ tăng 3,8%, dẫn đầu thị trường. DGW tăng trần, FRT tăng gần 1%. Nhóm này thời gian qua ghi nhận sự phục hồi đáng kể, sau khi đồng loạt trôi về vùng đáy ngắn hạn do sức cầu tiêu dùng cho nhóm hàng hóa không thiết yếu yếu đi. Từ cuối tháng 5 đến nay, MWG đã tăng 19%, FRT tăng gần 40%, DGW tăng 44%.

Cổ phiếu nhóm bán lẻ được dòng tiền chú ý trở lại nhờ kỳ vọng vào sức cầu cải thiện trong 6 tháng cuối năm, khi kinh tế dần hồi phục cùng các chính sách kích cầu tiêu dùng.

Các nhóm thủy sản, vật liệu xây dựng, xây dựng, hóa chất, ngân hàng cũng đạt mức tăng tốt. Thủy sản ghi nhận VHC tăng 3,5%, IDI tăng 2,9%, FMC tăng 2,2%, CMX tăng 2,5%, ANV tăng 1,4%...

Nhóm vật liệu xây dựng tích cực nhờ đóng góp của HPG khi tăng 1,7%. HSG và NKG bứt phá hơn với mức tăng lần lượt đạt 4,9% và 5,1%. Hàng loạt cổ phiếu thép nhỏ khác cũng tăng mạnh như TIS +9,8%, POM +5,2%, TLH +4,7%, VGS +4,5%, VCA +3,6%... Nhóm thép tiến triển tích cực sau khi doanh nghiệp đầu tiên trong nhóm công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với sự khả quan.

Đó là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel, mã TVN), ước lãi hơn 133 tỷ đồng trong quý 2/2023, là kết quả tốt nhất trong 5 quý trở lại đây. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, công ty đạt 194,15 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 273 % kế hoạch năm 2023 (52 tỷ đồng) nhưng giảm 40% so với cùng kỳ. Phiên giao dịch hôm nay, TVN tăng trần.

Tại nhóm ngân hàng, VCB là động lực chính. LPB, SHB cũng tăng tốt với tỷ lệ 3,9% và 3,4%. Ngoài ra, BID, CTG, HDB, MBB, STB, VIB, VPB cũng đều tăng giá.

Tại nhóm chứng khoán, phần lớn các cổ phiếu cũng tăng giá nhưng mức độ điều chỉnh không lớn. Tăng mạnh nhất là BVS +3,3%, AAS +2,8%, VDS +2,7%... SSI và SHS tăng chưa đến 1%. VCI và VIX tăng hơn 1%. VND tiếp tục điều chỉnh giảm 1,9% và khớp lệnh lớn nhất thị trường với gần 50 triệu đơn vị được trao tay. Phiên hôm qua, mã này lập kỷ lục về thanh khoản với 106 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm bất động sản giao dịch tiêu cực hơn nhưng các cổ phiếu điều chỉnh không lớn. Bộ đôi VIC và VHM giảm nhẹ 0,6% và 0,9%. DIG, VPI, NLG, HDG, TCH, CEO, ITA, CRE… cũng giảm giá. Ngược lại, BCM, VRE, NVL, KBC, PDR, DXG, DXS… giúp vốn hóa toàn nhóm không bị giảm sâu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.