VCBS: PAN hưởng lợi từ giá lúa gạo và nhu cầu thủy sản hồi phục

Gạo PAN Group
17:56 - 05/08/2023
VCBS: PAN hưởng lợi từ giá lúa gạo và nhu cầu thủy sản hồi phục
0:00 / 0:00
0:00
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa đưa ra các nhận định tích cực về tình hình kinh doanh của CTCP Tập đoàn Pan và triển vọng cổ phiếu PAN trong những tháng tới.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), chuyên viên phân tích ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu PAN là 32.683 đồng/cp và đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này. Hiện trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PAN vẫn đang giữ đà tăng kể từ khi chạm đáy 12.900 đồng/cp (phiên 15/11) và đang điều chỉnh nhẹ những phiên gần đây.

Kết phiên 4/8, cổ phiếu tăng 0,2% lên 23.250 đồng/cp, tương đương vốn hóa gần 5.167 tỷ đồng. Ở thời điểm này, thị giá của PAN đã hồi phục được 80% so với vùng giá đáy. Như vậy mức giá mà VCBS kiến nghị với PAN cao hơn gần 41% so với thị giá hiện tại.

Ở thời điểm này, thị giá của PAN đã hồi phục được 80% so với vùng giá đáy. Còn mức giá mà VCBS kiến nghị với PAN tăng gần 41% so với thị giá hiện tại. Ảnh: TradingView

Ở thời điểm này, thị giá của PAN đã hồi phục được 80% so với vùng giá đáy. Còn mức giá mà VCBS kiến nghị với PAN tăng gần 41% so với thị giá hiện tại. Ảnh: TradingView

VCBS phân tích, dựa trên báo cáo tài chính, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PAN trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt lần lượt là 5.309 tỷ đồng và 267 tỷ đồng, giảm lần lượt là 14% và 33% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, mảng thủy sản có sự giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do năm nay bước vào thời kỳ thấp điểm của ngành, hàng tồn kho ở các nước nhập khẩu chính vẫn ở mức cao và nhu cầu bị suy yếu do ảnh hưởng của lạm phát. Mảng nông nghiệp và thực phẩm sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ do 6 tháng đầu năm đang là mùa vụ thấp điểm.

Nếu xét riêng quý 2, kết quả kinh doanh tuy vẫn giảm so với cùng kỳ nhưng đã có sự tăng trưởng so với quý 1. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PAN đạt lần lượt là 2.778 tỷ đồng và gần 160 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 30% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tăng lần lượt 10% và 50% so với quý 1/2023.

Điều này là nhờ doanh thu thuần và lợi nhuận gộp nửa đầu năm của mảng gạo và thuốc bảo vệ thực vật tăng trưởng 24% và 50%, do giá gạo tăng cao, ngành gạo được hưởng lợi khi nhiều bên tích trữ hàng trước lo ngại hiện tượng El Nino ảnh hưởng đến vụ mùa, bên cạnh đó thông tin chính phủ Ấn Độ áp thuế cao và cấm xuất khẩu một số loại gạo, khiến nhu cầu về giống lúa và vật tư nông nghiệp tăng mạnh.

Các đơn hàng thủy sản đã quay trở lại từ tháng 5/2023, giúp doanh thu thuần và lợi nhuận gộp tăng nhẹ lần lượt là 3% và 10%. Các đơn hàng được kỳ vọng sẽ tăng nhiều hơn ở nửa cuối năm 2023.

Chuyên viên của VCBS đánh giá, triển vọng kinh doanh của PAN nửa cuối năm 2023 có thể dựa trên 4 yếu tố như giá lúa gạo duy trì ở mức cao, cùng điều kiện thời tiết ôn hòa hơn các quốc gia khác tạo lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất nông sản ở Việt Nam.

Nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ trở lại ở nửa cuối năm 2023 là động lực cho giá cá tra và tôm hồi phục dần từ quý 3. Bên cạnh đó, sản lượng của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), doanh nghiệp chuyên chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu, sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian tới nhờ mở rộng vùng nuôi và xây dựng các nhà máy mới.

Là công ty con của PAN, kết quả kinh doanh của FMC cũng có sức ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của PAN.

Ngoài ra, mùa Trung thu đang đến gần, với việc sở hữu CTCP Bibica, mảng bánh kẹo cũng có khả năng đem về doanh thu cao trong quý 3 cho PAN.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của công ty vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc trên toàn cầu khiến chi phí chăn nuôi tăng cao; tồn kho cá tra và tôm vẫn đang ở mức cao, khiến giá các mặt hàng thủy sản vẫn đang duy trì ở mức thấp.

Diễn biến thời tiết thất thường cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng các mặt hàng nông sản; và giá đường tăng cao ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của mảng bánh kẹo.

Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ giá gạo tăng do nguồn cung thu hẹp

Nhìn về triển vọng chung ngành lúa gạo, VCBS cho rằng, hiện tượng El Nino khiến mưa đến muộn và kết thúc sớm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nông sản ở nhiều quốc gia.

Việc chính phủ Ấn Độ tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với các loại gạo khác (trừ gạo basmati), giá gạo xuất khẩu tăng đã khiến gạo Ấn Độ kém cạnh tranh hơn các loại gạo khác.

Cụ thể, Trung Quốc giảm 75,8% gạo nhập khẩu từ Ấn Độ, trong khi nhập khẩu gạo từ Việt Nam tăng mạnh 93,2% về lượng và 116% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, lo ngại thời tiết El Nino khô hạn, khiến các nhà nhập khẩu tích cực mua vào để dự trữ trong khi nguồn cung từ một số nước xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam, đang dần cạn kiệt, cũng là nguyên nhân khiến giá gạo leo thang.

Trong khi đó, tình hình thủy văn của Việt Nam trong năm vừa qua khá ổn định với mưa nhiều và sẽ chuyển dần sang trung tính trong nửa đầu năm 2023, sản lượng gạo được dự báo sẽ tương đối ổn định.

Theo đó, VCBS đánh giá cao khả năng năm tới Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ xu hướng giá gạo tăng do nguồn cung thu hẹp và sự dịch chuyển nguồn cầu từ Ấn Độ sang.

Trên thực tế, giá gạo liên tục duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2023, chỉ số giá các loại gạo FAO trong tháng 6/2023 đạt 126,2 điểm (tăng 6% so với đầu năm 2023 và 14% so với cùng kỳ), đây cũng là một trong những mức giá cao nhất kể từ hồi tháng 10/2022.

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 35 USD/tấn.

Về tình hình xuất khẩu, theo số liệu của Bộ Công Thương tại Hội nghị sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, ước tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 19% về lượng và 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng hơn 9% so cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống, thị trường có FTA thế hệ mới, trong đó khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng năm 2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp