VIC giúp thị trường cân bằng trước rung lắc, khối ngoại 'xả' mạnh MWG

VIC MWG
16:15 - 12/10/2023
Nhóm xây dựng và bất động sản tăng tốt nhất thị trường.
Nhóm xây dựng và bất động sản tăng tốt nhất thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Sau 4 phiên đi lên liên tiếp, VN-Index đã cho thấy sự đuối sức khi bên bán nhiều lúc dâng lên áp đảo. Tuy nhiên sự hồi phục của nhóm cổ phiếu bất động sản, tiêu biểu là VIC đã giúp thị trường giữ được thế cân bằng.

Kết phiên 12/10, chỉ số sàn HoSE tăng nhẹ 0,8 điểm lên mốc 1.151,61 điểm. HNX-Index tăng 1,44 điểm còn UPCoM tăng 0,33 điểm. Thanh khoản thị trường chưa có sự cải thiện, với tổng giá trị giao dịch đạt gần 16.000 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn ở mức hơn 2.000 tỷ đồng.

Sau phiên mua ròng nhẹ hôm qua, nhà đầu tư nước ngoài lại rút ròng mạnh hơn 650 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung bán cổ phiếu của Thế giới Di động (MWG) với giá trị ròng 238 tỷ đồng. HPG cũng bị bán ròng hơn 110 tỷ đồng. DHA, MSN, VPB, chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng 36-50 tỷ đồng. GAS, CMG, SSI bị bán ròng trên 20 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, VCI và DGW được mua ròng mạnh nhất với giá trị trên 30 tỷ đồng. HHV cũng được mua ròng 29 tỷ đồng. Còn lại dòng tiền khối ngoại rải rác gom vào KDH, VRE, DGC, NLG, VND…

VIC có công lớn trong việc giữ thế cân bằng cho thị trường hôm nay. Cổ phiếu của Vingroup nhận được sự quan tâm của dòng tiền và kết phiên ở mức giá 46.500 đồng/cp, tăng 2,3% so với phiên hôm qua. VIC vẫn đang giao dịch ở vùng đáy 6 năm.

Các mã bluechip ở chiều tăng còn có TPB +2,7%, VNM +1,5%, SAB +1,3%; VRE, VPB, VJC, VIB, VHM, GVR, CTG, BID, BVH tăng nhẹ dưới 1%. ACB, GAS, SSB đứng tham chiếu. Giảm mạnh nhất là MWG -1,8%, HPG -1,5%, SSI -1,2%, BCM -1%...

Sự tích cực của VIC còn lan tỏa tới toàn nhóm bất động sản, giúp vốn hóa nhóm này tăng hơn 1%, dẫn đầu chiều tăng hôm nay. Tăng đáng kể có ITA +6%, PDR +3,8%, CEO +3%, NVL +2,8%, KDH +2,6%, DIG +1,7%, NLG +1,5%, KBC +1,3%... Chiều giảm ngoài BCM còn có AGG, CKG, IJC, HQC, SZC…, tuy nhiên mức giảm không đáng kể.

Nhóm xây dựng giữ được sắc xanh nhưng kém tích cực hơn. Đa số các cổ phiếu dao động trong biên độ hẹp trên dưới 1%. Chiều tăng có REE, HUT, THD, HHV, SCG, DPG, HTN, DTD… trong khi VCG, PC1, CTD, CII, FCN, TCD, HBC… ghi nhận ở chiều giảm.

Ngoài nhóm xây dựng - bất động sản thì nhóm hóa chất, bảo hiểm, sản phẩm cao su cũng xanh điểm nhẹ. Các nhóm còn lại chịu áp lực dòng tiền rút ra nhiều hơn mua vào. Giảm mạnh nhất là nhóm thủy sản, với VHC giảm 1,2%, ANV giảm 2,5%, ACL giảm 2,2%, FMC và IDI giảm hơn 1%.

Nhóm vật liệu xây dựng bị kéo xuống bởi HPG; HSG đứng tham chiếu còn NKG giảm 1%. Nhóm chứng khoán ngoài SSI thì đa số các mã lớn cũng ở chiều giảm, nhưng biên độ điều chỉnh không lớn. VIX, VND, SHS đều giảm dưới 1%. Trong nhóm không có mã nào giảm trên 22%. Tăng mạnh nhất là AAS +4,2%.

Tương tự tại nhóm ngân hàng, các cổ phiếu dao động trong biên độ hẹp. Vượt trội có KLB tăng 5,8%, TPB tăng 2,7%. VAB và ABB tăng hơn 1%. Chiều giảm mạnh nhất là EIB -1,1%.

Nhóm phân bón và dầu khí cũng không còn giữ được sức thu hút như phiên trước. Các cổ phiếu đồng loạt giảm 1-2%.

Nhìn chung, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn nên tình trạng phân hóa và thanh khoản thấp là dễ hiểu. Thanh khoản sẽ còn duy trì ở mức thấp trong vài phiên tới cho đến khi chỉ số VN-Index vượt hoàn toàn vùng kháng cự 1.160-1.165 điểm.

Tin liên quan

Đọc tiếp