CBI là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế hướng tới các nhà đầu tư với mục tiêu huy động 100 tỷ USD trên thị trường trái phiếu phục vụ cho các giải pháp chống biến đổi khí hậu toàn cầu và giúp cắt giảm chi phí vốn. CBI thực hiện phân tích thị trường, nghiên cứu chính sách, phát triển thị trường; cố vấn cho các chính phủ và cơ quan quản lý; điều hành chương trình tiêu chuẩn và chứng nhận trái phiếu xanh toàn cầu.
Các doanh nghiệp Việt Nam đạt chứng nhận từ CBI sẽ có những lợi ích tiềm năng đáng kể trong việc tiếp cận nguồn vốn trái phiếu huy động từ các quỹ đầu tư trên thế giới. Chứng nhận CBI là tiêu chuẩn nhãn trái phiếu xanh được sử dụng và có giá trị trên toàn cầu.
Những lợi ích khi tham gia vào chương trình trái phiếu xanh của CBI là rất lớn. Đây là cơ hội tuyệt vời để tiếp cận các nguồn vốn lớn trên thế giới với chi phí vốn hợp lý hơn cũng như quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường vốn.
Hiện nay, các ngành công nghiệp Việt Nam đang nhận được sự quan tâm lớn từ CBI và các nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến năng lượng tái tạo, tài nguyên nước, nông nghiệp xanh và công nghiệp xử lý chất thải.
Trái phiếu xanh - công cụ giúp doanh nghiệp bền vững
Trái phiếu xanh là một công cụ nợ để huy động vốn như các loại trái phiếu khác, tuy nhiên số tiền thu về từ phát hành trái phiếu xanh phải được dùng để thực hiện cho các dự án xanh. Đây sẽ là kênh hút vốn quan trọng đối với các nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra toàn cầu ngày này.
Tài chính xanh và trái phiếu xanh đang ngày càng phổ biến và gia tăng đáng kể trên khắp thế giới. Theo các chuyên gia của Morgan Stanley, lượng phát hành trái phiếu xanh trên toàn thế giới đạt 505 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2022.
Riêng tại Việt Nam, trái phiếu xanh đạt quy mô phát hành 284 triệu USD vào đầu năm 2021, thông qua 4 đợt phát hành gồm trái phiếu bán chủ quyền (23,4 triệu USD), trái phiếu địa phương (3,6 triệu USD) và hai khoản vay xanh (lần lượt là 71 triệu USD và 186 triệu USD)
Ngoài ra, hệ thống pháp luật về tài chính xanh ở Việt Nam từng bước được hoàn thiện và phát triển. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và kế hoạch hành động quốc gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 ở châu Âu (COP26), Thủ tướng Việt Nam cũng đưa ra cam kết đến năm 2050 sẽ đạt mức phát thải ròng "bằng không".
Đặc biệt, Việt Nam đang là thành viên của Diễn đàn thị trường vốn ASEAN (ACMF), theo đó, trong vài năm gần đây, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dành nhiều nỗ lực phổ cập thông tin và thúc đẩy các tiêu chuẩn trái phiếu xanh ASEAN (AGBS), tiêu chuẩn trái phiếu xã hội ASEAN (ASBS) và tiêu chuẩn trái phiếu bền vững ASEAN (ASUS), với mong muốn tạo ra một loại tài sản bền vững ở Việt Nam.
Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu về trái phiếu xanh, nhất là cách thức phát hành, quản lý dòng tiền/nguồn vốn cho các dự án xanh và công bố thông tin về môi trường và xã hội của doanh nghiệp mình.
Trái phiếu xanh là một trong các phương tiện huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội, sẽ giúp phát triển doanh nghiệp theo hướng vững chắc hơn, góp phần xây dựng thị trường chứng khoán ngày một bền vững hơn.
FiinGroup thành lập vào tháng 3/2008, là đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích tài chính chuyên sâu nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn.
Tháng 9/2014, FiinGroup hợp tác chiến lược cùng Tập đoàn NIKKEI & QUICK Corp. với đầu tư vốn 35,1% cổ phần của Nhật Bản, cùng hỗ trợ các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. FiinGroup hiện đang phục vụ hơn 1.000 tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua các nền tảng công nghệ và hệ thống truy cập thuê bao, dịch vụ theo gói và theo yêu cầu.
Năm 2020, FiinGroup được Bộ Tài chính cấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm (CRA).