Vietcombank nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

NGÂN HÀNG VIETCOMBANK
23:12 - 01/04/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1/4/1963-1/4/2023) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu những nhiệm vụ chính của Vietcombank và ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Tiền thân là Sở Quản lý ngoại hối Trung ương trực thuộc Ngân hàng quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 115/CP ngày 30/10/1962 của Hội đồng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động ngày 1/4/1963.

Với những thành tích xuất sắc, toàn diện đã đạt được, Vietcombank đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, Vietcombank vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Ngành ngân hàng cần bảo đảm sự cân bằng hài hòa, hợp lý về 4 vấn đề quan trọng

Phát biểu tại buổi lễ, ngày 31/3, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương tinh thần chủ động, tích cực, sự nỗ lực rất lớn và những kết quả quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và toàn ngành ngân hàng trong thời gian qua, nhất là những năm gần đây.

Ngành ngân hàng đã góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức trong thời gian tới, nhất là trước bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cho ngành ngân hàng trong thời gian tới gồm thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.

Trong thiết kế, xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan, cần lưu ý tìm giải pháp, lộ trình phù hợp, hiệu quả để bảo đảm sự cân bằng hài hòa, hợp lý về 4 vấn đề quan trọng gồm giữa lãi suất và tỷ giá; giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; giữa tình hình bên trong và tình hình bên ngoài.

Rà soát, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, chi phí cho vay, gắn với kịp thời thực hiện các giải pháp phù hợp góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Đồng thời rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận tín dụng kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân.

Bảo đảm tăng trưởng tín dụng kịp thời, hợp lý, hiệu quả gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), góp phần tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ…

Nâng cao năng lực tài chính, quản trị và chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống và an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Thủ tướng đề nghị các tổ chức tín dụng cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập; kịp thời có giải pháp hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng thời thực hiện đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển theo định hướng đề ra trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030.

"Hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025; năng động, sáng tạo để thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế, tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững".

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030

Vietcombank chinh phục hành trình Vươn ra biển lớn

Đối với Vietcombank, để chinh phục hành trình "Vươn ra biển lớn", hiện thực hóa mục tiêu chiến lược, Thủ tướng đề nghị tập trung quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Nhằm phát huy hơn nữa vai trò là ngân hàng chủ lực, chủ đạo, dẫn dắt thị trường của hệ thống các tổ chức tín dụng, Vietcombank cần vừa thực hiện tốt chức năng tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, vừa góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Trong đó, đặc biệt lưu ý tiếp tục tiên phong trong việc hiện đại hóa quản trị, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp, quản trị nguồn vốn và sử dụng vốn hiệu quả để điều hòa và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thiết thực cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Chủ động, tích cực tham gia các chương trình tín dụng chính sách, nhất là Chương trình tín dụng nhà ở xã hội, thúc đẩy phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội theo tinh thần Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.

Vietcombank cần tích cực tham gia, phát huy vai trò thúc đẩy phát triển các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là theo hình thức đối tác công - tư (PPP), góp phần tạo nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao tặng ngân hàng Vietcombank danh hiệu Anh hùng Lao động. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao tặng ngân hàng Vietcombank danh hiệu Anh hùng Lao động. Ảnh: VGP

Chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển các thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản lành mạnh, an toàn, hiệu quả, bền vững.

Vietcombank cũng cần xác định rõ mục tiêu, định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp phát triển trung, dài hạn phù hợp với chiến lược phát triển ngành ngân hàng và xu thế phát triển chung của hệ thống ngân hàng trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là nâng cao năng lực quản trị, tài chính và hiệu quả kinh doanh gắn với hiện đại hoá công nghệ ngân hàng.

Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tín dụng khác; tích cực tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Cùng toàn ngành ngân hàng nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu chiến lược đề ra đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đã xác định mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2 đến 3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và từ 3 đến 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Vietcombank cần là ngân hàng tiên phong nhận nhiệm vụ này, cần tập trung nguồn lực đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đi đầu trong đột phá công nghệ và chuyển đổi số, phấn đấu đạt mức độ trưởng thành về chuyển đổi số thuộc nhóm các ngân hàng dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Chú trọng hơn nữa đến phát triển bền vững gắn với các tiêu chuẩn quản trị, môi trường và xã hội, Vietcombank cần tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đồng hành cùng các chương trình tín dụng xanh, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, Vietcombank sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh; duy trì, củng cố vị thế là ngân hàng số 1 tại Việt Nam và từng bước vững chắc vươn tầm khu vực và thế giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.