VN-Index chinh phục mốc 1.200 điểm, NVL lại 'đắt hàng'

NVL VN INDEX
16:02 - 26/07/2023
Các mã có thanh khoản lớn trong phiên 26/7.
Các mã có thanh khoản lớn trong phiên 26/7.
0:00 / 0:00
0:00
Sau giai đoạn giằng co khi tiếp cận ngưỡng kháng cự quan trọng, VN-Index đã chính thức chinh phục mốc 1.200 điểm vào cuối phiên 26/7.

VN-Index chịu áp lực bán ra ở vùng giá cao nhưng vẫn duy trì trên mốc tham chiếu trong suốt phiên giao dịch, và đóng cửa ở mốc cao nhất 1.200,84 điểm, tăng gần 5 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index giảm 0,7 điểm còn UPCoM vẫn tăng nhẹ.

Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt hơn 21.000 tỷ đồng, riêng trên kênh khớp lệnh là hơn 18.400 tỷ đồng. Khối ngoại chiếm hơn 3.200 tỷ đồng và mua ròng hơn 400 tỷ đồng trên sàn HoSE.

HPG được mua ròng mạnh nhất, với giá trị gần 160 tỷ đồng, tiếp theo là VHM với 128 tỷ đồng. Các mã được mua ròng đáng kể còn có KDH 80 tỷ đồng, MWG 61 tỷ đồng, SSI 48 tỷ đồng, VNL, HSG 41 tỷ đồng, VNM 39 tỷ đồng, PVD 37 tỷ đồng, GEX 33 tỷ đồng…

Ngược lại, cổ phiếu ngành hàng thực phẩm KDC bất ngờ bị bán ròng 158 tỷ đồng. Khối ngoại còn bán ròng mạnh VIC với giá trị 86 tỷ đồng, MSB 50 tỷ đồng, DGW 43 tỷ đồng, STB, NLG 39 tỷ đồng, CTG 34 tỷ đồng…

Tâm điểm giao dịch hôm nay lại là NVL, khớp lệnh 73,2 triệu đơn vị. Phiên 24/7, cổ phiếu của Novaland cũng giao dịch tới 96 triệu đơn vị, tương đương 4,92% tổng lượng cổ phiếu lưu hành.

Với mức tăng 6,2% trong phiên hôm nay, NVL về lại mức giá 17.200 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 12/2022. Kể từ cuối tháng 5 đến nay, mã đã tăng hơn 30%. NVL vừa chính thức bị loại khỏi rổ VN30 (có hiệu lực từ 7/8), tuy nhiên thông tin này dường như không mấy tác động tới dòng tiền đang quan tâm tới cổ phiếu. Hiện Novaland vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023.

Với việc VN-Index giằng co ở mức điểm cao, dòng tiền phân hóa. Tại nhóm VN30, ngoài NVL thì còn có VCB, VHM, SSI, SAB, POW, PLX, PDR, MSN, HPG, FPT, BID, BCM cũng ở chiều tăng. Trong đó, FPT tăng 1,7% thiết lập đỉnh mới tại mức giá 82.700 đồng/cp.

Chiều giảm mạnh nhất MWG với tỷ lệ -1,9%. Sau vài phiên tăng mạnh lên vùng giá cao nhất kể từ tháng 10/2022, mã không tránh được áp lực chốt lời.

MWG chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023, tuy nhiên vừa cập nhật tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm với tổng doanh thu 56.570 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 42% kế hoạch năm. Riêng trong tháng 6, doanh thu của 2 chuỗi Điện Máy Xanh và Thế giới di động giảm 13% so với tháng liền trước, giảm 25% so với cùng kỳ 2022. Công ty tiếp tục “giấu” lợi nhuận.

Các mã có thanh khoản lớn và tăng giá tốt trong phiên còn có GEX (+3,3%), VND (+2,1%), VIX (+2,8%), HSG (+2,2%), POW (+2,3%)… GEX vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 870 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với quý 1 và tăng 49% so với cùng kỳ 2022.

Tính chung 6 tháng, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn Gelex đạt 14.406 tỷ đồng, tương đương 38,5% kế hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế đạt 1.014 tỷ đồng, hoàn thành gần 80% kế hoạch đề ra.

Sự phân hóa thể hiện rõ ở nhóm xây dựng và bất động sản. Trong khi chiều tăng được kéo lên bởi NVL, DXG, NLG, PDR, VHM, KBC, REE, BCG, CII, KDH, TCH… thì DIG, VCG, VIC, CEO, HHV, HDC, LCG, VRE, CTD, HUT, FCN… lại giảm giá.

Nhóm ngân hàng giao dịch kém sắc hơn với nỗ lực “chống đỡ” của VCB. Ngoài ra chỉ còn BID và SSB tăng giá. Giảm mạnh nhất là VBB -3,4%, KLB -2,8%, TPB, ABB -1,1%. Các mã khác giảm dưới 1%.

Việc VN-Index chinh phục mốc 1.200 điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là mức đỉnh được xác lập đầu quý 2/2018 và chỉ có thể trở lại vào tháng 3/2021. Sau khi vượt qua được ngưỡng cản quan trọng này, chỉ số đã liên tục thiết lập các đỉnh cao lịch sử mới trong năm 2021 và đầu năm 2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.