VN-Index đảo chiều tăng 20 điểm trong 1 giờ, POW tím trần từ phiên sáng

POW PV Power
16:16 - 07/06/2022
VN-Index rút chân ngoạn mục. SSI
VN-Index rút chân ngoạn mục. SSI
0:00 / 0:00
0:00
Dòng tiền gia nhập “chộp hàng” trong cuối phiên chiều đã giúp VN-Index rút chân ngoạn mục, từ giảm 20 điểm chuyển sang tăng nhẹ. Tâm điểm thị trường hôm nay là mã POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) khi liên tục trắng bên trong cả phiên.

Với cú rút chân ngoạn mục, VN-Index dừng ở mốc 1291.35, tương ứng mức tăng 1,3 điểm so với phiên hôm qua. Trong khi đó, HNX giảm 2,6 điểm và UPCoM cũng giảm nhẹ. Thanh khoản tiếp tục có sự cải thiện với tổng giá trị giao dịch đạt 22.859 tỷ đồng.

Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài chiếm hơn 3.200 tỷ đồng và họ tiếp tục mua ròng nhẹ gần 150 tỷ đồng. Mã quỹ FUEVFVND được mua ròng 315 tỷ đồng, xếp sau là PNJ và MSN được mua ròng hơn 55 tỷ đồng. VND, HPG, VCB, DPM, HAH, CTG… cũng được khối ngoại mua vào. Ngược lại, DCM, GAS, DXG, VHM là 4 mã bị bán ròng mạnh nhất. Ngoài ra còn có REE, STB, FRT, MWG, VNM, GMD…

Nhóm bluechip phiên sáng chính là gánh nặng khiến thị trường giảm điểm sâu. Trong rổ VN30 chỉ còn POW vẫn hút được dòng tiền mua, còn lại đều bị “xả”. Tuy nhiên vào cuối phiên chiều, lực cầu hấp thụ tốt đã giúp thị trường hồi phục, đà giảm của VN30 cũng thu hẹp còn -2,7 điểm. Các mã đảo chiều ngoạn mục là BVH, CTG, FPT, GAS, GVR, MSN, PLX, PNJ, SAB, TCB, VCB.

Nói về POW, cổ phiếu này đang trên đà hồi phục sau giai đoạn giảm mạnh từ vùng đỉnh 20.000 đồng (phiên 7/1/2022). Từ mức giá 11.450 đồng phiên 13/5, mã đã tăng lên 14.750 đồng sau phiên hôm nay.

Thời gian qua, mã POW nói riêng và dòng điện nói chung chưa được chú ý nhiều. Tuy nhiên trong bối cảnh giá than và khí tăng, cộng hưởng với sự thiếu hụt than, các doanh nghiệp ngành điện đã mang lại kỳ vọng mới cho nhà đầu tư.

Dữ liệu thu thập từ 38 công ty điện niêm yết của Chứng khoán KIS cho thấy, ngành điện đạt kết quả tích cực trong quý 1/2022 với doanh thu tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái và 17,9% so với quý liền kề trước đó, nhờ giá bán và sản lượng tăng trưởng tích cực. Chứng khoán KIS đánh giá, POW và công ty con, NT2 (Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2) là những “tay chơi nổi trội” khi lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, lần lượt là 41,8% và 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với tổng thanh khoản của thị trường, các cổ phiếu điện chưa bao giờ đáng chú ý. Tuy nhiên so với từng mã, dòng tiền đang tạo thanh khoản rất tốt. Cả phiên hôm nay, POW khớp hơn 38 triệu cổ, cao nhất kể từ tháng 1/2022. REE của Cơ Điện Lạnh phiên sáng nay cũng giao dịch xấp xỉ cả ngày hôm qua, cả phiên khớp 2,2 triệu cổ; NT2 hôm qua vừa đột biến thanh khoản cao nhất kể từ đầu năm, hôm nay cũng khớp 2,2 triệu cổ...

Nhà máy điện Cà Mau 2 trực thuộc PV Power.
Nhà máy điện Cà Mau 2 trực thuộc PV Power.

Cùng thuộc nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, các cổ phiếu nhóm xăng dầu hôm nay cũng giao dịch tích cực, dù phiên sáng có điều chỉnh giảm mạnh. BSR tiếp tục vượt đỉnh với tỷ lệ tăng 5,7%, các mã khác cũng tăng 4-5%.

Tuy nhiên xét về nhóm ngành tươi sáng nhất thì bảo hiểm mới dẫn đầu. Trong nhóm có 3 mã tăng hết biên độ là BMI, MIG và PGI. “Anh cả” BVH cũng tăng 3,7% trong khi các mã còn lại đều tăng mạnh.

Ở chiều tăng giá còn có nhóm thủy sản, công nghệ thông tin, nông nghiệp, nhựa – hóa chất, vận tải – kho bãi, bán lẻ. Tuy nhiên thị trường vẫn ở “tình trạng xanh vỏ đỏ lòng” (219 mã giảm, 113 mã tăng trên sàn HoSE) là do các nhóm “đông dân” như ngân hàng, chứng khoán, xây dựng - bất động sản, thép đều ghi nhận dòng tiền rút ra mạnh hơn mua.

Tại nhóm ngân hàng, màu xanh tăng giá chỉ còn hiếm hoi ở CTG, TCB, VCB. Nhóm chứng khoán cũng tương tự, mặc dù SBS tím trần, BSI, DSC tăng 5,6% nhưng cũng không đỡ nổi “lực lượng quân đỏ” quá áp đảo. Còn nhóm xây dựng và bất động sản có BCM và REE là 2 mã tích cực nhất, còn đa số các mã lớn đều ở chiều giảm, DXG và FLC phiên thứ 2 liên tiếp nằm sàn.

Theo báo cáo chiến lược của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau khi mùa đại hội đồng cổ đông kết thúc, thị trường gần như đi vào vùng trống thông tin cho đến khi các tin tức về kết quả lợi nhuận quý hai của doanh nghiệp được công bố. Đây là lý do mà tháng Năm, tháng Sáu thường là thời điểm không thuận lợi của thị trường chứng khoán.

Theo VDSC, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang đứng trước khá nhiều rủi ro vĩ mô từ bên ngoài, đặc biệt là liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt trong bối cảnh diễn biến lạm phát toàn cầu khó lường, dẫn dắt bởi giá năng lượng và lương thực neo cao do chịu tác động của cuộc chiến Nga - Ukraina.

Công ty chứng khoán này cho rằng yếu tố trên sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát của Việt Nam, qua đó trở thành lực cản lớn đối với đà tăng của thị trường trong bối cảnh dòng tiền ngày càng thận trọng và khó có nhiều thông tin tích cực mang tính lan tỏa trên diện rộng trong tháng Sáu.

Do đó, các đợt tăng bất ngờ trong tháng sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng giảm tỷ lệ đòn bẩy (hoặc duy trì tỷ lệ tiền mặt ở cao đối với nhà đầu tư thận trọng), để dành sức mua chờ cơ hội ở những phiên điều chỉnh mạnh của thị trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp