VN-Index hụt hơi đi lên, VIC ngược dòng sau khi báo lãi lớn

VIC VN INDEX
16:29 - 25/10/2023
VIC tác động tích cực nhất đến thị trường.
VIC tác động tích cực nhất đến thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù lực cung đã cạn kiệt nhưng dòng tiền mua mới cũng thờ ơ khiến VN-Index thiếu “xung lực” đi lên.

Sau khi lấy lại mốc 1.100 điểm trong phiên hôm qua, thị trường kỳ vọng tâm lý nhà đầu tư sẽ lạc quan hơn để VN-Index tiếp tục hồi phục. Tuy nhiên kỳ vọng đã không thành hiện thực khi dòng tiền mua mới vẫn thờ ơ đứng ngoài. Sau nỗ lực giữ trên mức tham chiếu, chỉ số sàn HoSE đảo chiều vào cuối phiên, đóng cửa ở mốc 1.101,66 điểm, giảm hơn 4 điểm so với kết phiên hôm qua.

HNX-Index cũng giảm 1,8 điểm, còn UPCoM ngược chiều tăng nhẹ. Thanh khoản có khá hơn phiên giao dịch trước nhưng vẫn ở mức thấp, với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 12.000 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm gần 2.000 tỷ đồng và tiếp tục duy trì bán ròng từ phiên hôm qua.

Mã bị bán ròng mạnh nhất là VIC với giá trị 91 tỷ đồng, kế đến là DCM 57 tỷ đồng, SSI 55 tỷ đồng, DPM 47 tỷ đồng, VHM và MWG trên 30 tỷ đồng; VRE, HDB, HCM, VNM trên 20 tỷ đồng.

Ngược lại, DGC được mua ròng mạnh nhất hơn 50 tỷ đồng, STB cũng được mua ròng hơn 29 tỷ đồng, PC1, VCB và BSI được mua ròng trên 10 tỷ đồng...

Bị khối ngoại bán mạnh nhưng VIC lại nhận được sự ưu ái của dòng tiền nội, là mã tăng mạnh nhất (+2,9%) trong rổ VN30 và cũng là mã có đóng góp lớn nhất cho chiều tăng của chỉ số hôm nay. Với mức tăng này, cổ phiếu của Vingroup về lại mức giá 44.700 đồng. Đây vẫn là vùng đáy 6 năm mà VIC về lại từ hồi cuối tháng 9.

VIC ngược dòng thị trường sau khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với những con số khả quan. Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup đạt 134.207 tỷ đồng, tăng 122% so với 9 tháng đầu năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 12.375 tỷ đồng, tăng 42%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.556 tỷ đồng, hoàn thành 78% kế hoạch cả năm.

Trong nhóm bluechip còn có VHM, SSB, SAB, MWG, HPG, GVR, BVH cũng giữ được sắc xanh, nhưng mức tăng không đáng kể.

Ngoài VIC và VHM, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng diễn biến tích cực giúp vốn hoá nhóm này tăng nhẹ, như NVL +1,5%, PDR +2,1%, TIG +1,9%; VPI, TCH, SJS, ITA, EVG, LDG, NHA... tăng nhẹ. Chiều giảm có BCM, VRE, KDH, KBC, NLG, DIG, DXG, CEO, HDC, SZC, QCG... Trong đó CEO giảm mạnh nhất 3,8%, DXG cũng giảm hơn 3%.

Các nhóm ở chiều tăng hôm nay còn có bán lẻ, vật liệu xây dựng, bảo hiểm, nông nghiệp; tuy nhiên mức tăng chỉ nhích nhẹ nhờ một số mã đầu ngành tăng giá.

Tác động tiêu cực nhất đến thị trường là nhóm chứng khoán, với các mã đầu ngành SSI, VND, VIX, VCI, SHS, HCM, MBS, CTS đều giảm giá. Trong đó, giảm mạnh nhất là HCM -2,7%. Chiều tăng có AAS, ABW, APG, APS, PSI, HBS, TVB.

Nhóm ngân hàng đa số các cổ phiếu cũng chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên mức điều chỉnh không lớn, mạnh nhất là PGB -2%, NVB -1,8%, CTG -1,7%, OCB -1,5%, BID -1,3%... Chiều tăng có ABB, BVB, LPB, MSB, NAB, SGB, SSB, VBB.

Tin liên quan

Đọc tiếp