Ảnh minh họa |
Kết phiên, VN-Index giảm nhẹ 1,4 điểm, về mốc 1502.34. UPCoM cũng giảm nhẹ trong khi HNX-Index vẫn giữ được sắc xanh trong ranh giới mong manh (tăng 0,75 điểm). Thanh khoản thị trường vẫn giữ được mức cao với tổng giá trị giao dịch đạt 33.752 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục phiên mua ròng mạnh với tổng giá trị trên sàn HoSE đạt 1.015 tỷ đồng. Các mã được mua mạnh là DGC (310 tỷ đồng), MSN (151 tỷ đồng), GEX (112 tỷ đồng), quỹ FUEVFVND (103 tỷ đồng), STB (86 tỷ đồng)…
Khi thị trường rung lắc, nhóm vốn hóa lớn vốn vẫn chịu thiệt hại lớn nhất. Phiên hôm nay cũng tương tự. Chỉ số VN30 sau nhiều phiên tăng tốc thì đã giảm 7,8 điểm. BVH, FPT, GVR, KDH, POW, SAB, VJC ở chiều tăng, VCB ở ngưỡng đứng giá còn lại các bluechip đều ở chiều giảm. Tuy nhiên tỷ lệ tăng/giảm của các mã cũng không đáng kể. Tăng mạnh nhất có POW +2,4% còn giảm mạnh nhất là GAS -2,3%.
Cùng với GAS, nhóm dầu khí hôm nay tiếp tục có phiên đỏ lửa khi giá dầu thế giới giảm trong phiên ngày 22/3, sau khi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có khả năng không đồng ý tham gia trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Nga cùng với Mỹ. PEQ giảm sàn với giá trị mất đi tới 14,9%. PVC, PVT cũng giảm mạnh hơn 4%. POS giảm 3,9% còn các mã khác cũng giảm 1-2%. Riêng TOS ngược dòng tăng 0,4%.
Dầu khí và phân bón thường là “đôi bạn cùng tiến” trong thời gian qua, nhưng phiên hôm nay hai nhóm đã đi về hai hướng. Nhóm phân bón chỉ có DDV và PCE ở chiều giảm. BFC tăng trần còn DCM +1%, DPM +4,6%, CSV +3,3%, DGC +6,4%, LTG +1,7%, HPH +11,9%... Nhóm này tiếp tục hưởng lợi từ giá phân bón - hiện đã vọt lên mức cao nhất mọi thời đại. Giá phân bón hiện cao hơn 40% so với thời điểm một tháng trước, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
VN-Index đang rung lắc ở ngưỡng đỉnh cũ. |
Ngoài nhóm phân bón thì nhóm thủy sản cũng ghi nhận tăng tốt trong phiên điều chỉnh. CMX tăng trần, VHC +2,2%, ACL +2,8%, ANV +2,5%... Không có mã nào ở chiều giảm.
Cũng liên quan đến nhóm hàng hóa cùng diễn biến giá cả leo thang nhưng nhóm thép lại giao dịch không mấy tích cực. Các mã lớn như HPG, HSG, NKG, POM… đều giảm nhẹ. Ngược lại, một số mã nhỏ như TIS, SMC, TVN, VCA, HMC vẫn giữ được sắc xanh khi kết phiên.
HQC thành tâm điểm
Ba nhóm hồi phục mạnh trong những phiên vừa qua là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản & xây dựng đều ghi nhận nhịp chững trong phiên điều chỉnh. Tại nhóm ngân hàng, NVB và KLB vẫn duy trì đà tăng tốt với tỷ lệ lần lượt +8,2% và +5,2%. Ngoài ra còn có ABB, BVB, EIB, PGB, VBB cũng giữ được sắc xanh khi kết phiên. Các mã giảm tuy chiếm đa số nhưng tỷ lệ thay đổi chỉ trên dưới 1%.
Nhóm bất động sản & xây dựng vẫn ghi nhận 10 mã tăng trần, nhưng vẫn là các mã nhỏ và cực nhỏ. 76 mã tăng giá có các cổ phiếu lớn đáng chú ý như DIG +3,6%, DXG +0,2%, KDH +0,4%, REE +0,5%, NLG +0,8%... Ngược lại, 122 mã giảm có khá nhiều mã lớn như VHM, VIC -1%, NVL -0,4%, BCM -0,13%, VRE -1,05%, PDR -1,1%, SSH -1,5%, CEO -0,4%, KBC -0,2%... Đáng chú ý HUT là mã giảm sàn duy nhất trong nhóm.
Trong nhóm này, tâm điểm chú ý hôm nay thuộc về HQC của Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân với tình trạng trắng bên bán từ sáng. Cổ phiếu này được hâm nóng do xuất hiện thông tin một nhóm cổ đông lớn được cho là có liên quan đến hệ sinh thái Louis sẽ thâu tóm quyền lực tại cuộc họp ĐHĐCĐ HQC dự kiến diễn ra ngày 26/3 tới.
Ngay sau đó, HĐQT Hoàng Quân đã có quyết định dời thời gian tổ chức Đại hội với lý do “diễn biến dịch bệnh phức tạp”. Theo tài liệu ĐHĐCĐ, HQC sẽ trình cổ đông kế hoạch phát hành 130,7 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 4 chủ nợ để hoán đổi 1.307 tỷ đồng nợ vay; đồng thời phát hành 87.299.784 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho ông Trương Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT) để hoán đổi 873 tỷ đồng.
Sau phát hành, công ty sẽ giảm số nợ ông Tuấn từ 1.166,4 tỷ đồng về còn 293,4 tỷ đồng. Nếu kế hoạch này được thực hiện, tỷ sở hữu của ông Tuấn sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nhóm cổ đông mới đã đưa ra văn bản thu thập chữ ký của các cổ đông để phản đối. Nhóm 42 cổ đông này cũng đề cử người của Louis Holding vào HĐQT HQC.