Cổ phiếu bất động sản tích cực. |
VN-Index đóng cửa phiên 21/3 ở mốc 1.276,43 điểm, tăng hơn 16 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX tăng hơn 3 điểm còn UPCoM tăng 0,3 điểm. Thanh khoản dâng cao với hơn 31.500 tỷ đồng được giao dịch trên kênh khớp lệnh.
Khối ngoại giao dịch hơn 4.300 tỷ đồng và chưa ngừng xu hướng bán ròng, giá trị bán ròng đạt 360 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung bán VNM hơn 200 tỷ đồng, MSN 175 tỷ đồng, VHM 165 tỷ đồng, DIG 145 tỷ đồng, PVD 86 tỷ đồng, TCH 64 tỷ đồng, BID 57 tỷ đồng, PVT 44 tỷ đồng; CTG, VHC, FRT, KDH, NVL, NLG, CTD trên 20 tỷ đồng…
Ngược lại, VND được mua ròng mạnh nhất gần 190 tỷ đồng, kế đến là KBC 148 tỷ đồng, SSI 114 tỷ đồng, STB 64 tỷ đồng, MWG 51 tỷ đồng, DGC 43 tỷ đồng, DXG 38 tỷ đồng, OCB 35 tỷ đồng, VRE 33 tỷ đồng…
Tiếp nối phiên hôm qua, nhóm cổ phiếu lớn vẫn thu hút dòng tiền mua mạnh hơn. Chỉ số VN30 tăng 22,5 điểm lên mốc 1.281,57 điểm với tác động tích cực nhất từ các cổ phiếu ngân hàng. TCB tăng mạnh nhất 6,6% lên giá 45.100 đồng/cp. Chỉ trong 2 phiên gần đây, cổ phiếu của Techcombank đã tăng hơn 10%. Còn kể từ đầu năm 2024 đến nay, mã đã tăng hơn 36%.
Ngày 20/3, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng triển vọng của Techcombank lên mức ổn định. Đây là ngân hàng Việt Nam đầu tiên được Moody’s công bố nâng hạng triển vọng năm 2024 trong bối cảnh thị trường vẫn đang đối mặt nhiều thách thức.
Bluechip tăng mạnh thứ hai là HDB +5,8%, lên mức giá 23.900 đồng/cp và tiếp tục xác lập mức đỉnh lịch sử mới. Cổ phiếu của HDBank không có những cơn sóng mạnh nhưng đã tăng bền bỉ kể từ tháng 11/2022 đến nay, với hiệu suất đầu tư gần 100%.
Ngoài TCB và HDB thì VCB, VIB, MBB cũng tăng tốt với tỷ lệ 2-3%.
VN30 không có mã nào ở chiều giảm. BID, GAS, POW, SSB, VIC đứng tham chiếu. Tăng đáng kể còn có VRE +2,3%, PLX +2,7%, FPT +1,5%...
Xét về nhóm ngành, bộ ba ngân hàng, chứng khoán, bất động sản chính là kiềng ba chân vững chắc đẩy thị trường đi lên. Nhóm ngân hàng chỉ có EIB và LPB giảm giá. Lực kéo chủ yếu đến từ các mã vốn hóa lớn như đã kể trên.
Nhóm chứng khoán có VND và SHS tác động tích cực nhất, với mức tăng gần 4%. Đây cũng là hai mã ghi nhận thanh khoản sôi động nhất thị trường, khối lượng giao dịch lần lượt đạt 62 và 58 triệu đơn vị. Tăng đáng kể còn có CSI +6,1%, VIG +4,7%, AAS +3,4%, ABW +2,8%, SBS +2,6%, MBS +2,4%... SSI, HCM, VCI tăng hơn 1%. VIX tăng 0,8%.
Chiều giảm trong nhóm chứng khoán có PHS -12,5%, DSC-0,4%, OGC -0,3%.
Nhóm bất động sản có PDR tăng trần lên mức giá 30.750 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 10/2022, khớp lệnh đột biến hơn 40 triệu đơn vị. Đây là một trong những mã phục hồi tốt nhất trong năm 2023, với hiệu suất đầu tư lên tới 130% trong vòng 1 năm.
HPX của Đầu tư Hải Phát tiếp tục tăng trần từ sớm lên giá 7.000 đồng/cp, chỉ khớp lệnh hơn 400.000 đơn vị và kết phiên còn dư mua 37,5 triệu đơn vị. Mã vừa được giao dịch trở lại vào phiên 20/3 và ngay lập tức được săn đón, biên độ tăng hôm qua lên tới 20%.
Nhiều mã bất động sản cũng tăng tốt và có thanh khoản cao hơn trung bình, như NVL +3,3%, khớp lệnh hơn 42 triệu đơn vị; DXG +4%, khớp lệnh 38 triệu đơn vị; CEO +3,5%, khớp lệnh 32,6 triệu đơn vị; KBC +4,9%, khớp lệnh gần 29 triệu đơn vị; KHG +4,8%; khớp lệnh 11,6 triệu đơn vị… Các mã lớn như VHM, BCM, VRE, KDH, NLG cũng đều tăng giá. VIC đứng tham chiếu.
Hầu hết các nhóm ngành còn lại cũng đều kết phiên trong sắc xanh. Nhìn chung sự hưng phấn của dòng tiền đang mang đến kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ sớm chinh phục mốc 1.300 điểm.