VN-Index ‘xanh vỏ đỏ lòng’, VNZ tiếp tục tăng trần sau khi khớp lệnh 100 đơn vị

CTCP VNG VN INDEX
16:23 - 02/02/2023
Giao dịch trên sàn HoSE với sắc đỏ áp đảo,
Giao dịch trên sàn HoSE với sắc đỏ áp đảo,
0:00 / 0:00
0:00
Sau phiên điều chỉnh giảm sâu, VN-Index rơi vào trạng thái giằng co với thanh khoản thấp, cho thấy cả bên mua và bên bán đều thận trọng vì không chắc chắn xu hướng sắp tới của thị trường. Điểm tích cực là dòng tiền khối ngoại vẫn duy trì vào ròng.

Kết phiên, chỉ số sàn HoSE tăng nhẹ gần 2 điểm lên mốc 1.077,59 điểm, HNX-Index và UPCoM cùng giảm lần lượt 0,7 điểm và 0,05 điểm. Thanh khoản sụt mạnh so với phiên hôm qua, về mức hơn 11.600 tỷ đồng (giá trị giao dịch khớp lệnh). VN-Index giằng co với thanh khoản thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng, bên mua không vội vào và bên bán cũng sợ mất hàng.

Khối ngoại giao dịch gần 3.000 tỷ đồng và mua ròng hơn 400 tỷ đồng trên sàn HoSE. HPG tiếp tục là mã được mua ròng nhiều nhất với 136 tỷ đồng. STB cũng được mua ròng hơn 100 tỷ đồng. VIC, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, SSI được mua ròng trên dưới 30 tỷ đồng. Ngược lại, KBC bị bán ròng mạnh nhất gần 50 tỷ đồng, VHM 30 tỷ đồng, các mã VNM, MSN, KDH, PVT dưới 10 tỷ đồng.

Việc VN-Index trụ vững được trên ngưỡng tham chiếu là nhờ trợ lực từ các bluechip. Trong đó, MWG có đóng góp lớn nhất với mức tăng gần 6%, lên mức giá 49.900 đồng. Thời gian qua, cổ phiếu của Thế giới Di động có sự phục hồi chậm hơn so với các mã bluechip khác, phần lớn do ảnh hưởng từ triển vọng kinh doanh kém tích cực.

VRE cũng có mức tăng tốt +3%, tiếp sau là STB +1,9%, VCB +1,7%, MSN +1,6%, VIC +1%. BID, CTG, GAS, HPG, KDH, MBB, POW, SAB, TPB, VPB cùng kết phiên trong sắc xanh nhưng mức tăng nhẹ, chỉ dưới 1%. Chiều ngược lại, HDB là bluechip có mức giảm mạnh nhất -3,4%, NVL -2,4%, GVR -1,9%. Các mã còn lại giảm dưới 1%.

Lực kéo chủ yếu từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nên thị trường trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” với hơn 500 mã ở chiều giảm và chỉ có hơn 200 mã ở chiều tăng. Nhờ sự bứt phá của MWG nên nhóm bán lẻ đạt được mức tăng vượt trội với +4% vốn hóa.

Nhóm ngân hàng với phần đông các mã thuộc rổ VN30 cũng đạt mức tăng 0,5%. Nhóm thép tăng 0,3%. Ngược lại, thủy sản là nhóm giảm mạnh nhất với mức vốn hóa âm gần 2,3%. Toàn nhóm chỉ có một mã tăng nhẹ 0,4%, trong khi IDI giảm 4,7%, VHC giảm 2,5%, FMC, CMX, ANV đều giảm.

Các nhóm còn lại đều ở chiều giảm nhưng mức giảm không lớn.

VNZ của CTCP VNG hôm nay tiếp tục gây chú ý khi lại khớp lệnh 100 đơn vị, đẩy mã lên mức tăng trần 15%, tương ứng giá 386.400 đồng. Như vậy chỉ sau 2 phiên, VNZ đã tăng 146.400 đồng, tương ứng tăng 55%, đưa vốn hóa của VNG lên gần 14.000 tỷ đồng.

Thông tin về việc Fed tăng lãi suất đúng như dự báo chỉ ở mức thấp 0,25% dường như không tác động nhiều đến thị trường trong nước, nhà đầu tư dường như vẫn còn ám ảnh với phiên lao dốc hôm qua khiến sắc đỏ tiếp tục lấn át trên bảng điện tử ngay từ sớm, nhưng họ cũng không chọn cách bán quá mức, giúp phần lớn các cổ phiếu phần lớn chỉ giảm nhẹ. Dự báo trong các phiên tới, VN-Index sẽ tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp cho đến khi có thông tin tác động đáng chú ý.

Tin liên quan

Đọc tiếp