VNBA: Năm 2023 ngân hàng phải có những đột phá trong chuyển đổi số

CHUYỂN ĐỔI SỐ Việt nAM
08:59 - 24/11/2022
VNBA: Năm 2023 ngân hàng phải có những đột phá trong chuyển đổi số
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, năm 2023, xu hướng chuyển đổi số sẽ được thúc đẩy nhanh hơn trước các khó khăn từ lạm phát, chuỗi cung ứng... Vì vậy, ngành ngân hàng cần có những bước đột phá mới để thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Tại toạ đàm "Đột phá trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023: Kiến tạo trải nghiệm khách hàng thế hệ mới" ngày 23/11, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) chia sẻ, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian qua đã được đánh giá là bước vào giai đoạn bùng nổ.

Giao dịch trên di động dự kiến tăng trưởng 300% giai đoạn 2021 - 2025

Theo báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng, tính đến nửa đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị, thanh toán qua mã QR Code cũng ghi nhận tăng 86% so với cùng kỳ. Ngoài ra, thanh toán qua Internet và qua di động cũng tăng tương ứng 63,2% và 98,3% về số lượng.

Về số lượng người có tài khoản ngân hàng, sau 6 tháng năm 2022, con số này đạt 68% với 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử eKYC. Đồng thời, có 1,77 triệu tài khoản Mobile-money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Theo VNBA, hiện các ứng dụng dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số tại Việt Nam đã đuổi kịp các thị trường phát triển, tỷ lệ khách hàng cá nhân tại thị trường Việt Nam đã tăng từ 41% vào năm 2017 lên 82% vào năm 2021.

"Đại đa số khách hàng cá nhân Việt Nam (73%) sử dụng dịch vụ ngân hàng qua nhiều kênh khác nhau. Điều này có nghĩa là họ sử dụng kết hợp ngân hàng số và các chi nhánh vật lý", ông Hùng cho biết.

Hiện tại, một số ngân hàng đi nhanh trong phát triển công nghệ như Vietcombank, TPBank, Techcombank, MBBank,... đã bước vào giai đoạn thứ hai của chuyển đổi số là sáng tạo số.

Trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ áp dụng các công nghệ mới, cập nhật hơn, với việc gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning), ứng dụng Blockchain, làm chủ dữ liệu và tận dụng sức mạnh của Big Data ngày càng nhiều hơn. Đi kèm với đó là tăng cường sử dụng robot tự động hoá để gia tăng năng suất, hiệu quả làm việc trong nội bộ ngân hàng và trải nghiệm khách hàng.

Theo dự báo ngành Fintech và ngân hàng số khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2025 do Backbase và IDC công bố, giao dịch trên thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 300% trong giai đoạn 2021 - 2025 với sự tăng vọt của hình thức thanh toán di động.

Giữa bối cảnh khách hàng thuộc phân khúc ngân hàng bán lẻ ngày càng am hiểu kỹ thuật số dẫn tới nhu cầu đổi mới về giải pháp tài chính, các ngân hàng đang phải đối mặt với yêu cầu cấp thiết trong việc tái cấu trúc cơ sở hạ tầng nhằm cung cấp những dịch vụ giá trị gia tăng và các giải pháp thay thế qua nhiều điểm chạm khách hàng.

Nắm bắt xu hướng đó, trong thời gian gần đây, các ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư mạnh vào nền tảng công nghệ, xây dựng hệ sinh thái số nhằm mang lại những trải nghiệm đa kênh liền mạch tốt nhất cho khách hàng.

Với tốc độ thay đổi nhanh chóng và sự kết nối chặt chẽ giữa thế giới thực và ảo, việc đáp ứng nhu cầu và gia tăng trải nghiệm khách hàng vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng, theo IDC.

Ngành ngân hàng cần có những bước đột phá mới

Chia sẻ về vai trò của ngành ngân hàng trong chuyển đổi số thời gian tới, bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam cho rằng, các ngân hàng đang phải đối mặt với một môi trường đầy thách thức bao gồm cải thiện ROE, tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng siết chặt. Ngoài ra, hiện người tiêu dùng đang đòi hỏi nhiều hơn khi rào cản giữa mạng xã hội và ngân hàng ngày càng mờ nhạt.

“Cân bằng những thách thức trên đã trở thành tiêu chuẩn. Do đó, các cổ đông, nhà đầu tư và hội đồng quản trị đang yêu cầu ngân hàng tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng và đổi mới để đảm bảo tính bền vững lâu dài”, bà Dương cho biết.

Theo nghiên cứu của EY, các vấn đề của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đặt ra áp lực về lợi nhuận như cơ sở hạ tầng kế thừa đang làm tổn hại đến trải nghiệm của khách hàng, nguồn lực đáng kể tập trung vào việc thực hiện các quy trình thủ công có giá trị gia tăng thấp.

Do đó, bà Dương nhấn mạnh, cần có một cách tiếp cận chuyển đổi để mang lại lợi nhuận bền vững. Vị trí dẫn đầu thị trường trong tương lai sẽ đạt được thông qua việc áp dụng công nghệ đột phá.

Trong năm 2023, đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, đây sẽ là một năm đầy khác biệt, áp lực lạm phát, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm.

Bởi vậy, các doanh nghiệp có xu hướng thay đổi quan điểm từ chuyển đổi tập trung vào tăng trưởng sang tiết kiệm chi phí. "Và xu hướng chuyển đổi số sẽ được thúc đẩy bởi điều đó," ông Hùng chia sẻ.

Ngoài ra, tính bền vững là một xu hướng mới đang trên đà phát triển. Việc cung cấp các mô hình làm việc mới và thân thiện hơn, lấy khách hàng làm trung tâm cũng sẽ rất quan trọng vào năm 2023. Bên cạnh đó, Luật Giao dịch điện tử dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2023, tạo hành lang pháp lý góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.

VNBA: Năm 2023 ngân hàng phải có những đột phá trong chuyển đổi số ảnh 1

Ngành ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng chung, được đánh giá là một trong những lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia. Với quan điểm tiếp cận lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo. Vì vậy, năm 2023, ngành ngân hàng cần phải có những bước đột phá mới để thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tin liên quan

Đọc tiếp

Những "ngân hàng không ngủ"

Những "ngân hàng không ngủ"

Hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam đều đang triển khai các chương trình chuyển đổi số, ở những mức độ khác nhau. Nâng cao trải nghiệm khách hàng là một trong những khâu có sự thay đổi mạnh mẽ và dễ nhận diện nhất.