Thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT), thuốc duy nhất trung hòa độc tố botulinum. |
Trước đó, vào chiều 23/5, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã có buổi làm việc trực tiếp với văn phòng WHO tại Hà Nội và đề nghị phía WHO hết sức hỗ trợ thuốc điều trị ngộ độc botulinum cho Việt Nam. Ngay sau đó, WHO quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) cho các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum đang được điều trị tại các bệnh viện ở TP HCM.
Đây là lần thứ hai Việt Nam được WHO hỗ trợ loại thuốc này. Năm 2020 để phục vụ các ca nhiễm độc tố botilinum do sử dụng pate chay có chứa độc tố, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã đề nghị WHO hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung thuốc BAT. WHO đã hỗ trợ rất kịp thời 10 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent. Lô thuốc này đã góp phần cứu chữa các bệnh nhân.
Ngộ độc botulinum là do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum, một loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí, là loại vi khuẩn ưa môi trường kín, khô có oxy như thức ăn đóng hộp, đóng gói. Ngộ độc này rất hiếm xảy ra, ở Việt Nam và trên thế giới.
Nguyên nhân mắc bệnh chính là do người bệnh ăn phải vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng hoặc không được bảo quản tốt. Từ năm 2020 đến nay Việt Nam ghi nhận rải rác có một vài ca bệnh/năm, gần đây có 3 ca tại TP HCM.
Hiện nay, thuốc duy nhất trung hòa độc tố botulinum là thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent. Theo Bộ Y tế, do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc BAT trên thế giới cũng rất hiếm, không dễ chủ động về nguồn cung. Loại thuốc này chỉ có một hãng dược ở Canada sản xuất và có giá lên đến 8.000 USD/lọ. BAT hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được bảo hiểm chi trả.
Trước tình hình các ca bệnh tăng đột biến gây thiếu nguồn cung thuốc, để chủ động hơn với các thuốc chống ngộ độc nói riêng, các thuốc hạn chế về nguồn cung nói chung, Bộ Y tế đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý, chỉ đạo Bộ xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.
Bộ Y tế đã đưa ra một số giải pháp căn cơ, trong đó, một giải pháp quan trọng là thành lập các trung tâm tồn trữ thuốc hiếm nguồn cung tại các vùng kinh tế - xã hội và có cơ chế để có thể thanh toán các thuốc hiếm về nguồn cung đã tồn trữ nhưng hết hạn do không phải dùng đến vì không có bệnh nhân.
Về 3 trường hợp ngộ độc botulinum, bệnh nhân đều sống tại TP Thủ Đức, thuộc 2 gia đình khác nhau. Bệnh nhân lớn nhất là người đàn ông 45 tuổi, tiếp theo là 2 anh em 26 tuổi và 18 tuổi. Ba trường hợp này thực tế là sự nối tiếp của chùm ca bệnh là 3 em bé bị ngộ độc botulinum tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM.
3 bệnh nhân trước đó là anh em ruột, bị ngộ độc do ăn chả lụa từ người bán dạo. Ngày 16/5, 2 lọ giải độc BAT cuối cùng đã được chuyển từ Quảng Nam về để cứu 3 anh em. Hiện 3 em bé này đang được điều trị, đã có những bước cải thiện bước đầu về hồi phục sức cơ.
Trong khi đó, ba bệnh nhân botulinum mới đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân Gia Định phải hỗ trợ thở máy do đang không còn thuốc giải độc.