Năng lực thông quan tại cửa khẩu Lạng Sơn chịu sức ép lớn
Tiếp tục kiên trì với cách tiếp cận “Zero-COVID”, ngày 11/12 vừa qua, Trung Quốc đã ra công điện số 14/2021 gửi các Bộ, ngành và địa phương về việc tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu, trong đó đưa ra 9 yêu cầu nghiêm ngặt như hoàn thiện cơ chế phòng chống dịch tại các cửa khẩu, phân tách nhân viên phòng chống dịch, tăng mức độ phòng chống COVID-19 đối với thực phẩm đông lạnh nhập khẩu…
Theo nội dung công điện này, phía Trung Quốc tiếp tục quản lý nghiêm với người và hàng hóa nhập cảnh. Điều này tạo áp lực lớn cho năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là Lạng Sơn.
Một điểm đáng lưu ý khác, lái xe chuyên trách giao nhận hàng xuất nhập khẩu và nhân viên phòng chống dịch làm việc tại cửa khẩu, cảng biển của Trung Quốc có tiếp xúc với hàng hóa được xác định là đối tượng rủi ro cao, phải cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi rời khỏi khu vực cửa khẩu biên giới hoặc cảng biển về quê đón Tết.
Vì vậy, không loại trừ khả năng việc thông quan hàng hóa (đặc biệt là hàng đông lạnh) qua các cửa khẩu biên giới sẽ không diễn ra như thường lệ hàng năm, do lái xe chuyên trách và nhân viên lực lượng chức năng cửa khẩu xin nghỉ sớm để kịp cách ly về quê đón Tết.
Trong khi đó, ở đầu Việt Nam, do đang vào vụ thu hoạch một số nông sản xuất khẩu nên lượng nông sản đưa lên khu vực biên giới phía Bắc vẫn rất lớn, dẫn đến tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại nhiều cửa khẩu biên giới.
Những xe hàng ùn ứ ở cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn khi năng lực thông quan giảm mạnh |
Linh hoạt chuyển cửa khẩu và phương thức vận tải để giảm áp lực
Trong văn bản hỏa tốc hôm 23/12, Bộ Công Thương đưa ra một số kiến nghị để giảm thiểu tình hình ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, trong đó đặc biệt lưu ý lịch nghỉ Tết nguyên đán của phía Trung Quốc để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh phát sinh ùn ứ.
Về giải pháp ngắn hạn, Bộ Công Thương đưa ra một số kiến nghị như chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác như đường biển hoặc trao đổi với bạn hàng Trung Quốc, để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác như Cao Bằng nhằm giảm ùn ứ tại nút thắt Lạng Sơn.
Về giải pháp dài hạn, Bộ Công Thương cho rằng nông dân cần thiết chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính...).
Quan trọng hơn, cần tính đến phương án mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, cần thiết có sự tham gia của các Sở, ban ngành chức năng trong điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản.
Riêng với Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương đề nghị có sự phối hợp cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục về diễn biến giao nhận, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và các vấn đề liên quan. Theo đó, đề nghị Sở Công Thương các tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn đăng thông tin trước 12h00 hàng ngày trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh về tình hình xuất nhập khẩu, vận chuyển, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới để doanh nghiệp, Bộ ban ngành kịp thời nắm tin tức, phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đàm phán với cơ quan quản lý phía bạn để có giải pháp tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu, nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng hai bên, tạo thuận hơn cho hoạt động thông quan hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.