Theo Tổng cục Hải quan, tháng 7/2023 Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,12 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng 6/2023. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lại giảm 14,5%.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,18 tỷ USD, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất với 3,87 tỷ USD, đứng thứ hai là Nhật Bản với 946 triệu USD, Trung Quốc với 865 triệu USD, Hàn Quốc với 462 triệu USD...
Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường có mức tăng cao nhất với +411% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là Ấn Độ với +252%, Kuwait với +48%... Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường chính là Mỹ lại giảm tới 30,2%, Nhật Bản -7,6%, Trung Quốc -25%, Hàn Quốc -23%...
Bên cạnh vấn đề thị trường, khó khăn trong nước cũng đang tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp gỗ xuất khẩu. Chia sẻ tại Hội nghị giao ban ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023 chiều 9/8 tại Bình Dương, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết, hiện việc khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ trong nước được thực hiện theo Thông tư 26/TT-BNNPTNT.
Tuy nhiên tới thời điểm này khi các doanh nghiệp xuất khẩu yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ theo quy định nhưng chỉ xác minh được bảng kê của sản phẩm chứ không tới người trồng rừng, gây khó khăn trong quá trình xin CO khi xuất khẩu…
Trong lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng, kết quả hoàn thuế bị chậm của các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa được cải thiện.
Chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất cho doanh nghiệp và giao cho ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại. Nhưng các doanh nghiệp chưa nhận được thông báo giảm lãi cho các khoản vay cũ, chủ yếu chỉ áp dụng cho các khoản vay mới. “Về hạn mức tín dụng, tùy uy tín và đơn hàng của doanh nghiệp mà ngân hàng có hạn mức tín dụng khác nhau, tuy nhiên ngân hàng chỉ áp dụng cho vay khi có đơn hàng và đánh giá rủi ro đối với đơn hàng này”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.