Sáng 23/9, Bộ Công Thương đã tổ chức Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá năm 2022. Có 8 doanh nghiệp gửi hồ sơ và tham gia phiên đấu giá, bao gồm 6 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu đường thô, 2 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu đường tinh luyện.
Kết thúc phiên, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu kiêm thành viên Hội đồng phân giao Trần Thanh Hải công bố, có 7 doanh nghiệp đã được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 109.000 tấn đường. Cụ thể, 5 doanh nghiệp được phân giao nhập khẩu đường thô và 2 doanh nghiệp được phân giao đường tinh luyện.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, để đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa đường sản xuất trong nước và đường nhập khẩu, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 1569/QĐ-BCT ngày 5/8/2022 về việc thành lập Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thông qua phương thức đấu giá.
Theo kế hoạch công bố tại Quyết định 1649/QĐ-BCT ngày 22/8 của Bộ Công Thương, lượng đường phân giao nhập khẩu theo phương thức đấu giá năm 2022 là 113.000 tấn, bao gồm 79.000 tấn đường thô và 34.000 tấn đường tinh luyện.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thông tin, doanh nghiệp nhập khẩu đường sẽ phải chịu thuế phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương nếu nhập khẩu đường từ các nước có trong danh sách bị áp thuế.
“Thương nhân được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá năm 2022 nếu nhập khẩu đường có xuất xứ từ Thái Lan vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT. Nếu nhập khẩu từ các nước có tên trong Quyết định số 1514/QĐ-BCT có thể vẫn phải chịu thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại”.
Trước đó, ngày 15/6/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Ngày 1/8/2022, Bộ tiếp tục ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia, Indonesia, Mianma.