Ngoại trưởng Australia Penny Wong. Ảnh: Reuters |
CNA đưa tin, trả lời câu hỏi Australia sẽ trấn an các nước láng giềng như thế nào về thỏa thuận tàu ngầm AUKUS, Ngoại trưởng Penny Wong khẳng định: “Chúng tôi không tìm cách có được thỏa thuận này để làm bất kỳ điều gì khác ngoài việc đảm bảo tốt hơn thế cân bằng chiến lược”.
Giải thích về lý do đằng sau việc nước này mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, bà Wong cho biết: “Chúng tôi tìm cách đạt được năng lực này để giúp duy trì hòa bình. Chúng tôi muốn một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, như Singapore, Malaysia, Indonesia”.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại buổi lễ công bố thỏa thuận tàu ngầm, San Diego, ngày 13/3. Ảnh: Reuters |
“Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc họp giao ban. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với các nước trong khu vực và lắng nghe những quan ngại có thể có của họ”, bà nói, đồng thời nhấn mạnh rằng Canberra “sẽ không bao giờ tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân”.
“Những gì chúng tôi đang làm là thay thế tàu ngầm cũ hiện có bằng năng lực tàu ngầm mới với động cơ đẩy hạt nhân. Điều này rất khác so với trang bị vũ khí hạt nhân”, Ngoại trưởng Penny Wong giải thích.
Trước đó, phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc sáng ngày 14/3 lên tiếng chỉ trích thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, Anh và Australia.
“Kế hoạch hợp tác tàu ngầm hạt nhân là một hành động trắng trợn tạo ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng, làm suy yếu hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, châm ngòi cho các cuộc chạy đua vũ trang và làm tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực”, phái đoàn Trung Quốc tuyên bố trên Twitter, theo RT.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. Ảnh: Reuters |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: "Tuyên bố chung mới nhất của Mỹ, Anh và Australia chứng minh rằng 3 nước này, vì lợi ích địa chính trị của mình mà hoàn toàn không quan tâm đến các mối quan tâm của cộng đồng quốc tế và đang tiến xa hơn và đi sâu hơn vào con đường sai lầm và nguy hiểm".
Quan chức này cũng cáo buộc 3 nước này kích động một cuộc chạy đua vũ trang, nói rằng thỏa thuận tàu ngầm là "một trường hợp điển hình của tâm lý Chiến tranh Lạnh".
Trong khi đó, bà Wong nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn một khu vực không có quốc gia nào bị thống trị và không có quốc gia nào thống trị. Tôi nghĩ mọi người sẽ thấy chúng tôi không phải quốc gia đang tìm cách leo thang căng thẳng”.
Quan chức này cho biết Canberra đã đề nghị báo cáo tóm tắt với Bắc Kinh về vụ việc này.
Khi được hỏi về cách Australia sẽ cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc như thế nào khi Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nước này, Ngoại trưởng Penny Wong khẳng định “lợi ích của hai bên là loại bỏ các trở ngại thương mại”.
“Chúng tôi tin rằng hai nước có thể tiếp tục phát triển mối quan hệ song phương nếu chúng ta quản lý những khác biệt một cách sáng suốt”, bà nhận định.
Sáng ngày 13/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã dự buổi lễ công bố thỏa thuận hợp tác nhằm cung cấp các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia từ đầu những năm 2030.
Theo đó, Australia sẽ mua ít nhất 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia của Mỹ. Nước này có thể được mua thêm 2 chiếc nữa nếu cần thiết.
3 quốc gia này cũng công bố dự án tàu ngầm mới có tên SSN-AUKUS. Loại tàu này sẽ được chế tạo ở Anh và Australia, với công nghệ và hỗ trợ của Mỹ. Dự kiến Anh sẽ ra mắt chiếc tàu ngầm SSN-AUKUS đầu tiên vào cuối những năm 2030 và Australia sẽ cho ra chiếc đầu tiên vào đầu những năm 2040.