Máy bay chiến đấu F-16. Ảnh: Getty Images |
“Chúng tôi có quá ít máy bay F-16. Do vậy, tại thời điểm này, sẽ không có hy vọng gì ở chúng tôi”, Thủ tướng Ba Lan Morawiecki nói tại cuộc họp báo trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu tại Moldova, theo Polskie Radio.
Lực lượng Không quân Ba Lan chính thức sở hữu 48 máy bay chiến đấu F-16, trong đó có 12 chiếc là biến thể được sử dụng trong huấn luyện. Nước này đã đặt mua 48 máy bay phản lực hạng nhẹ Golden Eagle từ Hàn Quốc và 32 chiếc F-35 từ Mỹ, nhưng chúng chưa được giao.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Thủ tướng Ba Lan Morawiecki (phải). Ảnh: Twitter @MorawieckiM |
“Chúng tôi đã bàn giao những chiếc MIG của mình. Chúng là những chiếc máy bay tốt, những chiến binh tốt và được chúng tôi đánh giá rất cao”, ông Morawiecki nói thêm. Trước đó, nước này và Slovakia đã gửi một số máy bay phản lực MIG-19 từ thời Liên Xô cho Kiev.
Tuyên bố của Thủ tướng Ba Lan được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhắc lại lời kêu gọi các nước phương Tây về việc cung cấp các hệ thống phòng không Patriot và gợi ý thành lập liên minh máy bay chiến đấu F-16 để tăng cường năng lực phòng không của Kiev.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhiều lãnh đạo phương Tây đã tán thành các chương trình huấn luyện phi công Ukraine lái các máy bay F-16. Tuy nhiên, các chương trình như vậy sẽ mất vài tháng để hoàn thành và các nước này vẫn chưa xác nhận chính thức về việc có cung cấp máy bay hay không.
Hệ thống Patriot RAS 3 của Lực lượng vũ trang Ba Lan. Ảnh: Defence Express |
Cũng trong cuộc họp báo, ông Morawiecki cho biết: “Giống với tình trạng không có đủ máy bay chiến đấu F-16, chúng tôi cũng không thể chuyển giao hệ thống Patriot của mình cho Ukraine vì lý do tương tự”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là các quốc gia khác có F-16 và Patriot nên “chia sẻ với Kiev càng sớm càng tốt”.
Hệ thống Patriot và máy bay chiến đấu F-16 được coi là những vũ khí "thay đổi cuộc chơi” mới nhất mà Ukraine mong muốn được có thêm, nhằm tăng cường khả năng chiến đấu, đặc biệt là trong bối cảnh nước này đang có kế hoạch phản công.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, Kiev đã nhận được xe tăng Leopard của Đức, xe tăng Challenger của Anh, bệ phóng tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất, cùng nhiều loại pháo tự hành, tên lửa chống tăng và tên lửa xách tay của NATO. Ba Lan đã trở thành điểm tập kết chính để phương Tây chuyển vũ khí và là nơi huấn luyện binh sĩ Ukraine.
Trong khi đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây ngừng bơm vũ khí hiện đại cho Ukraine, nói rằng việc viện trợ quân sự sẽ khiến các nước này đang trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột. Moscow cũng tuyên bố các hệ thống vũ khí nước ngoài sẽ được coi là mục tiêu hợp pháp của Nga trên chiến trường.