Ba thập kỷ thăng trầm trên thương trường của ông Đoàn Nguyên Đức

HAG HAGL
13:12 - 10/12/2022
“Khi con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”, Bầu Đức từng chia sẻ.
“Khi con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”, Bầu Đức từng chia sẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Từ người giàu nhất TTCK những năm 2008 – 2009 cho tới giai đoạn nợ nần chồng chất cận kề phá sản, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) đã trải qua không ít khó khăn trong quá trình đưa CTCP Hoàng Anh Gia Lai trở lại với nhiều tín hiệu tích cực như hiện nay.

Thời kỳ hoàng kim

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai sinh năm 1962 trong một gia đình nông dân nghèo tại Bình Định. Trong những năm tháng tuổi thơ vất vả ông mong muốn có thể học thật giỏi, đậu đại học và có một cái nghề để thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Năm 1982, nam thanh niên 20 tuổi khăn gói vào TP HCM thi đại học, mang theo niềm hy vọng của cả gia đình và những ước mơ từ thuở ấu thơ. Tuy nhiên, năm ấy cánh cửa đại học không mở ra với ông, không nản lòng, ông tiếp tục vừa làm vừa học, nhưng tới lần thi thứ 4 ông vẫn không đậu. Sau những khó khăn trên con đường học hành, Bầu Đức quyết định chọn con đường khởi nghiệp.

Bắt đầu bằng việc đi làm thuê, ông tích góp được một khoản tiền để mở một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh. Sau đó ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác và dần hình thành nên Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku vào năm 1993.

Sau thời gian phát triển, tới năm 2002, HAGL thành lập công ty con là CTCP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh, qua đó đánh dấu cột mốc tham gia thị trường bất động sản. Đến năm 2004, HAGL đưa vào hoạt động HAGL Resort Quy Nhơn; năm 2005 khai trương hoạt động HAGL Resort Đà Lạt…

Đến năm 2006, doanh nghiệp của Bầu Đức được chuyển đổi mô hình và trở thành CTCP Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá. Công ty bắt đầu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vào năm 2008 với mã cổ phiếu HAG.

Cổ phiếu HAG không mất nhiều thời gian để tạo sóng trên thị trường chứng khoán, HAGL trở thành trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Việt Nam. Với việc sở hữu hơn 55% số cổ phiếu HAG đang lưu hành, năm 2009, Bầu Đức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt với tổng tài sản gần 13.000 tỷ đồng, đứng trước cơ hội trở thành tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam.

Thời điểm này Bầu Đức là người đầu tiên ở Việt Nam mua máy bay riêng, ông cũng chi hàng chục triệu USD xây dựng Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG, ký hợp đồng quảng cáo trên sân Emirates và thậm chí còn hỏi mua 20% cổ phần của câu lạc bộ giàu truyền thống của nước Anh là Arsenal. Đây là lý do ông được biết đến với tên gọi quen thuộc là Bầu Đức

Tại thời kỳ hoàng kim, HAGL là một trong những công ty bất động sản lớn trên cả nước. Đỉnh cao là vào năm 2009 với 4 dự án bất động sản chính được đưa vào khai thác, gồm: New SaiGon, Hoang Anh River View, Phú Hoàng Anh (giai đoạn 1) và Hoàng Anh Golden House. Bất động sản mang về doanh thu gần 3.400 tỷ đồng, chiếm hơn 77% tổng doanh thu cả năm này.

Bên cạnh đó, Hoàng Anh Gia Lai cũng đầu tư hàng tỷ USD trồng cao su, cọ dầu với diện tích lên đến hàng chục nghìn ha, đồng thời công ty của Bầu Đức cũng tiến hành mở rộng quy mô kinh doanh bằng việc sang Lào và Campuchia trồng cao su. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ đúng kế hoạch, ông Đức đã có thể thu lợi nhuận lớn từ 2 ngành này.

Sóng gió với ngành nông nghiệp

Sau khi lập đỉnh vào năm 2011, giá cao su thế giới bất ngờ lao dốc mạnh, cùng với đó, thị trường bất động sản trong nước đóng băng, ông chủ HAGL bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn. Năm 2013 và 2014, doanh thu lập tức sụt giảm mạnh trong khi vay nợ vẫn ở mức cao, thanh khoản công ty gặp khó khăn. Hàng chục nghìn tỷ đồng đổ vào cao su khi giá sản phẩm công nghiệp này đang ở đỉnh 5.000 USD 1 tấn nhưng đến khi thu hoạch thì giá 'bốc hơi' 80% về còn 1.000 USD.

Khó khăn bủa vây, năm 2013, Bầu Đức tuyên bố rút lui khỏi thị trường bất động sản Việt Nam, tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn, bao gồm 2 việc chính là thoái vốn và thu hẹp các ngành khai khoáng, thủy điện, bất động sản tại Việt Nam đồng thời chỉ đầu tư vào hai mảng chủ đạo là nông nghiệp và bất động sản tại Myanmar.

Sau khi bán đi mảng bất động sản trong nước, thuỷ điện và mía đường, trong bối cảnh giá cao su vẫn chưa hồi phục, Hoàng Anh Gia Lai quyết định đầu tư vào các sản phẩm nông nghiệp có vòng đời nhanh giúp mang về dòng tiền duy trì hoạt động. Đầu tiên là bò thịt, rồi đến rau củ quả. Tuy nhiên chiến lược này chỉ giúp HAGL tạm thời cầm cự, chứ không thể giúp tập đoàn của Bầu Đức thoát khỏi khó khăn.

Kinh doanh thiếu hiệu quả, tổng nợ vay vì thế cũng lớn dần lên. Tính tới cuối năm 2015, tổng nợ phải trả của HAGL lên tới gần 33.000 tỷ đồng. Tưởng chừng như ngày phá sản đã đến gần thì vào năm 2016, Chính phủ đồng ý cho tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp, giúp công ty thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Trang mới của HAGL và HAGL Agrico bắt đầu từ năm 2017 khi doanh nhân Đoàn Nguyên Đức định hướng phát triển lĩnh vực trái cây với tham vọng vươn ra tầm thế giới. Tuyên bố này khi đó không còn khiến thị trường kỳ vọng nhiều như trước, bởi Hoàng Anh Gia Lai trước nay được biết đến với các dự án địa ốc, cao su, thuỷ điện hay mía đường, chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp cây ăn quả.

Tuy vậy, việc chuyển hướng đầu tư kịp thời và kiên định với hướng đi đã chọn đã mang về "quả ngọt" cho Hoàng Anh Gia Lai. Trong năm 2017, sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp này chính thức được xuất ngoại, trong đó mặt hàng chuối đã được các siêu thị lớn tại Campuchia tiếp nhận và bán đến tay người tiêu dùng. Không dừng lại tại đó, các sản phẩm chanh dây, thanh long, chuối và ớt của HAGL cũng lần lượt được xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới là Trung Quốc.

Sau một thời gian mạnh dạn chuyển hướng và thu về những thành quả nhất định, HAGL vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, giá cổ phiếu giảm sâu, đối diện với nguy cơ bị chủ nợ bán giải chấp để trả nợ cho các khoản vay đến hạn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng không cho doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức vay vì khoản nợ khổng lồ.

Để xử lý dứt điểm khoản nợ tỷ USD của mình, HAGL đã chọn cách hợp tác với Tập đoàn Trường Hải (Thaco) của đại gia Trần Bá Dương.

Tháng 8/2018, Trường Hải Thaco chính thức là đối tác chiến lược của HAGL. Ngay sau đó, công ty con của HAGL là HAGL Agrico (HNG) tiến hành tăng vốn điều lệ thông qua hình thức chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu và sau đợt chuyển đổi, Thaco trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại doanh nghiệp với tỷ lệ sở hữu 26,29% vốn.

Năm 2019, Bầu Đức quyết định chuyển nhượng toàn bộ công ty nông nghiệp và mảng kinh doanh bất động sản, trong đó có Khu phức hợp Yangon tại Myanmar – dự án BĐS quy mô lớn cuối cùng của HAGL cho doanh nghiệp của ông Trần Bá Dương. Nợ vay của HAGL vì vậy cũng giảm đi hàng chục nghìn tỷ đồng.

Khởi nghiệp ở tuổi 60

Sau nhiều lần cắt bỏ các mảng kinh doanh chính như cao su, bất động sản, thủy điện, mía đường… cấu trúc doanh nghiệp của HAGL được tinh lọc và trở nên gọn nhẹ đáng kể. Trước đây, danh sách công ty con, công ty liên kết của HAGL lên tới hơn 50 đơn vị, thì nay giảm mạnh, chỉ còn 10 công ty con.

Sau nhiều năm, ở tuổi 59, doanh nhân Bùi Nguyên Đức mới lại gặt hái thành công từ thương trường. Năm 2021, HAGL báo lãi 128 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng của 2 năm 2019 và 2020. Trong 11 tháng đầu năm 2022, HAGL báo lãi ròng lên tới 1.115 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ và hoàn thành 99% kế hoạch năm 2022, đây cũng là lần đầu tiên lợi nhuận HAGL vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng kể từ 2014.

Đáng chú ý, tổng nợ của HAGL từ đỉnh điểm hơn 35.000 tỷ đồng năm 2016 đã giảm về mức 14.400 tỷ đồng tại cuối quý 3 năm nay, trong đó, nợ ngân hàng giảm tương ứng từ mức từ 28.000 tỷ đồng xuống còn hơn 8.000 tỷ đồng.

“HAGL đang có cấu trúc gọn gàng hơn trước rất nhiều, có thể đi rất nhanh”, ông Đoàn Nguyên Đức nói và cho biết, đưa thịt heo trở thành mảng kinh doanh chiến lược là ngã rẽ khá bất ngờ. Đó có thể là cơ hội cuối trong cuộc đời kinh doanh đầy thăng trầm của doanh nhân này để hồi sinh gã khổng lồ HAGL.

Theo ông Đức, trong hai năm nay, HAGL may mắn tìm ra một cây, một con là cây chuối và con heo theo mô hình tuần hoàn. Heo ăn chuối phụ phẩm còn chất thải chăn nuôi thì lại được xử lý để làm phân bón cho trang trại chuối.

Thời điểm ông Đoàn Nguyên Đức chuyển sang nuôi heo vào năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng Hoàng Anh Gia Lai vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Khác với những ngành nghề đã đầu tư trước đó, mô hình nuôi heo tận dụng một phần lớn nguyên liệu của vườn cây ăn trái bị bỏ đi. Đó là lượng lớn chuối thải loại được đưa vào sản xuất thành bột chuối để phối trộn trong thức ăn chăn nuôi.

Quả chuối đủ tiêu chuẩn được chọn lọc làm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, số còn lại được tận dụng làm thức ăn cho đàn heo xấp xỉ nửa triệu con. Một phần chuối được ủ chín cho heo ăn, phần còn lại được sấy khô rồi nghiền thành bột. Trong thành phần thức ăn hàng ngày của heo, bột chuối và chuối chín chiếm 40%, còn lại là bắp, đậu nành, thảo dược...

Năm 2023, tập đoàn đặt mục tiêu 1 triệu con heo ăn chuối và 10 triệu con gà đi bộ ăn chuối. Bên cạnh đó, vào tháng 11 mới đây, HAGL còn ra mắt sản phẩm thịt bò Lamon (nguồn bò do bà con dân tộc Mông ở Lào nuôi ở độ cao trên 1.000m).

HAGL cũng dự kiến lợi nhuận năm sau sẽ tăng gấp 3-4 lần so với cùng kỳ, lên mức 3.500-4.000 tỷ đồng, trong đó dành 1.000-1.500 tỷ đồng để trả nợ. Nếu mọi chuyện thuận lợi, công ty của ông Đoàn Nguyên Đức dự kiến sẽ xóa hết nợ ngân hàng trong giai đoạn từ 2024 – 2025.

Tin liên quan

Đọc tiếp