Bộ Tài chính giữ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

THUẾ Bộ Tài Chính
09:28 - 14/05/2023
Bộ Tài chính giữ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Tài chính "chốt" đề xuất bổ sung đồ uống có đường và game online vào danh mục các mặt hàng bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tại tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã đề nghị giữ nguyên đề xuất về việc bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sau khi ghi nhận 74 ý kiến nhất trí và 26 ý kiến khác về sắc thuế này.

Theo giải trình của Bộ Tài chính, đã có nhiều nghiên cứu về tác hại của mặt hàng đồ uống có đường đến sức khỏe con người được các tổ chức y tế trong và ngoài nước công nhận.

Số liệu của WHO cho thấy đã có khoảng 85 quốc gia áp dụng sắc thuế này vào đồ uống có đường. Một số quốc gia như Mexico, Thái Lan đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, trong khi lượng tiêu thụ mặt hàng này của người Việt Nam có xu hướng tăng dần theo từng năm.

Ở khía cạnh khác, Bộ Tài chính cũng cho biết, nhiều đơn vị, cơ quan quản lý đề nghị loại trừ sữa và sản phẩm từ sữa, đồ uống có giá trị dinh dưỡng; cân nhắc áp dụng biện pháp hạn chế tiêu dùng với một số đồ uống có hàm lượng đường cao; quy định khái niệm "đồ uống có đường" tại Luật.

Về khía cạnh này, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12828:2019 định nghĩa nước giải khát gồm nước giải khát có ga, nước uống tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao, nước giải khát có chứa chè, nước giải khát có chứa cà phê và nước giải khát có chứa nước trái cây.

Bộ Tài chính cho rằng sữa và các loại sản phẩm từ sữa cũng là một loại đồ uống có đường nhưng không phải nước giải khát theo tiêu chuẩn này và là hàng hóa phục vụ mục đích dinh dưỡng cho con người.

Để tránh tiếp tục có những kiến nghị về vấn đề này, Bộ Tài chính sẽ sửa cụm từ "đồ uống có đường" thành "nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam" vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Các mặt hàng như sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng, nước khoáng thiên nhiên và nước đóng chai, nước rau, quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ ca cao sẽ được loại trừ khỏi diện chịu thuế.

Bộ cũng khẳng định, sẽ nghiên cứu quy định cụ thể mức thuế suất thuế TTĐB đối với nước giải khát theo hàm lượng đường nhất định sau khi dự án Luật được đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu nước giải khát có hàm lượng đường thấp.

Bộ Tài chính giữ nguyên đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online.

Bộ Tài chính giữ nguyên đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online

Trong dự thảo tờ trình, Bộ Tài chính cũng giữ nguyên đề xuất bổ sung “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng được cấp phép tại Việt Nam theo quy định của pháp luật” vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Tài chính thông tin, sau quá trình lấy ý kiến, có 90 ý kiến nhất trí và có 10 ý kiến đề nghị cần có nghiên cứu, đánh giá tác động thêm, bổ sung tính thuyết phục hơn hoặc không đưa game online vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Y tế và Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), cho rằng game online có nhiều tác động tiêu cực đến sức khoẻ thể chất và tâm thần của người chơi, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Theo Viện sức khoẻ tâm thần, tỷ lệ nghiện game tại Việt Nam là 8,5%. Game cũng gây rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu và căng thẳng. Tỷ lệ người chơi mắc trầm cảm là 12%, lo âu là 13,5% và rối loạn liên quan đến stress 17%.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho rằng ngành game online đã có sự tăng trưởng qua các năm. Năm 2019 đạt doanh thu gần 7.581 tỷ đồng, năm 2021 đạt 11.486 tỷ đồng, năm 2022 dự kiến đạt 12.000 tỷ đồng.

Theo quy định hiện hành, đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Bộ Tài chính đề xuất thu thuế tiêu thụ đặc biệt với những game được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, do cả doanh nghiệp trong hoặc ngoài nước cung cấp. Còn với các loại hình game bất hợp pháp, hay game lậu, theo Bộ Tài chính cần thiết phải có sự tăng cường quản lý của các bộ chuyên ngành.

Do vậy, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm đưa "kinh doanh dịch vụ trò chơi điện từ trên mạng được cấp phép tại Việt Nam theo quy định" vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm định hướng tiêu dùng nhất là với thanh thiếu niên cũng như mở rộng nguồn thu mới cho ngân sách Nhà nước

Đọc tiếp

Tòa nhà FLC Landmark Tower tại đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: Minh Phong

FLC tiếp tục bị cưỡng chế thuế

CTCP Tập đoàn FLC (UPCoM: FLC) ngày 23/2 công bố các quyết định của Cục thuế TP Hà Nội về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản.