Theo đó, cơ quan chủ quản thực hiện dự án là UBND tỉnh Cà Mau, chủ đầu tư dự kiến là Ban Quản lý các dự án ODA và NGO tỉnh Cà Mau. Nhà tài trợ của dự án là Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Dự án “Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long - tỉnh Cà Mau” thuộc dự án nhóm B, được thực hiện tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau với tổng số vốn đầu tư dự kiến là 960,31 tỷ đồng (tương đương khoảng 41,4 triệu USD). Thời gian chuẩn bị dự án dự kiến trong khoảng 2 năm (2023 - 2024) và thực hiện khoảng 4 năm (2025 - 2028).
Theo tỉnh Cà Mau, dự án ra đời nhằm tăng cường tính chống chịu khí hậu và nâng cao sinh kế tại khu vực phía đông huyện Cái Nước – vùng Nam Cà Mau.
Mục tiêu cụ thể của dự án nhằm phát triển sinh kế bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác tổng hợp và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân vùng dự án.
Ngoài ra, dự án đưa ra mục tiêu xây dựng tuyến đê tây sông Bảy Háp và các cổng kết hợp cầu giao thông để đảm bảo kiểm soát nguồn nước, ngăn triều cường, phục vụ sản xuất với diện tích hơn 20.000 ha đất khu vực vùng dự án.
Hợp phần xây dựng công trình bao gồm xây dựng 18 cống kết hợp cầu giao thông; nâng cấp 19,6 km đê tây sông Bảy Háp Háp từ Hoà Trung đến Nhà Thính (mở rộng mặt đê đất 9,3km; nâng cấp đê kết hợp lộ giao thông 7,9km; đầu tư đê mới kết hợp lộ giao thông 2,4km; chiều rộng mặt đê 7m, cao trình +2,20);
Quy mô hợp phần sinh kế của dự án bao gồm nuôi tôm quảng canh cải tiến theo hướng đảm bảo an toàn sinh học. Đa dạng hóa loài nuôi thông qua nuôi tôm kết hợp với đối tượng phù hợp (cua, nhuyễn thể, cá) nhằm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, nước để nuôi trồng thủy sản (hai mô hình này có ứng dụng công nghệ semi-biofloc để ương tôm giai đoạn đầu, giai đoạn sau ứng dụng vi sinh). Bên cạnh đó, nuôi thâm canh/siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng thông qua ứng dụng công nghệ semi-biofloc, công nghệ vi sinh, tái sử dụng nước.