Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) khẳng định, không có hợp tác xã thì không có doanh nghiệp.
“Điều này được thấy rõ ở 2 dự án VnSat của World Bank khi hỗ trợ ngành hàng lúa gạo, cà phê của Việt Nam. World Bank đã chuyển hướng từ hỗ trợ doanh nghiệp sang hỗ trợ nông dân, hợp tác xã. Nhờ đó, 2 dự án này lọt top 3% dự án thành công nhất của World Bank vì hình thành được chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp thực chất”, ông Thịnh chứng minh.
Do đó, Cục trưởng Lê Đức Thịnh cho rằng, việc sửa Luật Hợp tác xã có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, theo ông, việc sửa Luật Hợp tác xã đã được thống nhất về mục tiêu kinh tế tập thể nhưng mô hình phát triển như thế nào thì 10 người mỗi người một ý khác nhau.
"Cần lưu ý rằng, hợp tác xã là mô hình may đo cho từng quốc gia không phải may đồng phục nước nào cũng như nước nào. Phải hiểu bản chất hợp tác xã ở cả mục tiêu xã hội chứ không chỉ riêng ở mục tiêu kinh tế. Thống nhất tìm ra mô hình để người dân tham gia được tốt hơn, hướng đi đúng hơn cho hiệu quả cao hơn”.
Do đó, ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh rằng, mục tiêu lớn nhằm khi sửa Luật Hợp tác xã là phát huy trí tuệ tập thể.
Bàn về vấn đề này, GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh mô hình của hợp tác xã Việt Nam phải là mô hình của người nông dân. Ông cũng nêu ra vấn đề rằng, về mặt lý thuyết, hợp tác xã mang lại lợi ích to lớn nhưng tại sao một bộ phận không nhỏ nông dân Việt Nam vẫn chưa mặn mà với hợp tác xã.
“Phải chăng mô hình tổ chức đang được gọi là hợp tác xã hiện nay chưa thực sự là của nông dân, vì nông dân, từ nông dân? Chưa là điểm tựa, là điểm hội tụ, để từ đó tạo lập nên sức mạnh cộng hưởng từ hàng triệu hộ nông dân, làm nên niềm tin và là niềm tự hào của họ, làm nên nền nông nghiệp sinh thái, làm nên nông thôn Việt Nam hùng cường và giai cấp nông dân giàu có”, ông Viên nêu câu hỏi.
GS.TS Trần Đức Viên cũng chỉ ra thực trạng, cán bộ xã muốn tăng quy mô hợp tác xã để báo cáo thành tích nhưng người nông dân không quan tâm điều này. Họ quan tâm là những gì mang lại hiệu quả cho người nông dân.
"Hợp tác xã phải thực sự là của người nông dân. Tính chất hợp tác xã là tổ chức tự trị của người nông dân, do đó những quy định của Luật Hợp tác xã nên là những hướng dẫn người nông dân hơn là quy định cứng đóng khung. Nếu không thì kết quả đạt được chỉ ở trên báo cáo”.
Tuy nhiên, ông Viên cũng lưu ý cần khắc phục những tâm lý làm hạn chế của hợp tác xã như “một trăm cái lý bằng một tý cái tình”, “xấu đều hơn tốt lỏi” khiến người nông dân thiếu tinh thần phấn đấu, vươn lên.
Một điểm lưu ý khác được GS.TS Trần Đức Viên đề cập đến là Luật Hợp tác xã sửa đổi cần tập trung vào vốn và lao động. “Ngoài ra, Luật Hợp tác xã sửa đổi cũng cần thúc đẩy cạnh tranh giữa hợp tác xã này với hợp tác xã khác, giữa lao động này với lao động khác để tạo động lực cho người nông dân phát triển”, vị chuyên gia nói thêm.
Một số thay đổi chính trong Dự thảo Luật Hợp tác 2023:
Chính sách thuế, phí và lệ phí tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng mức ưu đãi cao nhất trong cùng lĩnh vực, ngành, nghề và địa bàn theo pháp luật.
Quy định về tổng phần vốn góp của tất cả thành viên liên kết được thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Điều lệ. Phần vốn góp tối đa không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.
Về phân phối thu nhập, tối thiểu 51% thu nhập từ giao dịch nội bộ còn lại được phân phối cho thành viên chính thức theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ và mức độ góp sức lao động.