Ảnh: CTCP Kinh doanh khí miền Nam |
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), với 4 trên 5 mặt hàng đóng cửa tăng giá, nhóm năng lượng đóng vai trò dẫn dắt xu hướng thị trường trong ngày giao dịch 11/6. Đáng chú ý, chỉ số MXV-Index năng lượng, đo lường biến động của các mặt hàng trong nhóm, đã ghi nhận chuỗi tăng 5 ngày liên tiếp, cho thấy xu hướng tăng tương đối ổn định của giá năng lượng trong giai đoạn gần đây.
Khí tự nhiên đạt đỉnh 6 tháng, dầu thô tăng nhờ triển vọng tiêu thụ
Đóng cửa ngày 11/6, giá khí tự nhiên tăng vọt hơn 7%, lần đầu vượt mốc 3 USD/ mmBTU (triệu đơn vị nhiệt Anh) kể từ tháng 11/2023.
MXV cho biết, giá khí đón nhận lực mua mạnh ngay sau khi báo cáo thường niên của Hội đồng Điện Bắc Mỹ nhấn mạnh nguy cơ thiếu năng lượng tăng cao ở một số bang tại Mỹ do nhiệt độ nóng hơn trong mùa hè.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong ước tính mới nhất đã nâng giá khí đốt tự nhiên giao ngay Henry Hub trong năm 2024 lên 2,46 USD/mmBTU từ mức 2,18 USD/mmBTU trong dự báo trước đó, với lý do sản lượng dự kiến thấp hơn và lượng bơm lưu trữ dưới mức trung bình trong mùa hè.
Trong diễn biến đáng chú ý khác, giá dầu tiếp tục tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 6. Hai báo cáo lớn trên thị trường dầu mỏ trong tháng 6 đã ảnh hưởng mạnh tới diễn biến giá, trong đó EIA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm và OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng tương đối mạnh vào năm 2024, góp phần hỗ trợ giá dầu. Chốt ngày, giá dầu WTI tăng 0,21%, lên 77,90 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,36%, lên 81,92 USD/thùng.
Cụ thể, trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 6, EIA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2024 lên 1,1 triệu thùng/ngày so với ước tính trước đó là 900.000 thùng/ngày, đạt trung bình 103 triệu thùng/ngày. Trong năm 2025, EIA cũng đã dự báo nhu cầu dầu toàn cầu có thể sẽ tăng lên mức 104,5 triệu thùng/ngày, cao hơn một chút so với dự báo trước đó là 104,3 triệu thùng/ngày.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) |
Về nguồn cung, EIA hiện dự kiến sản lượng dầu toàn cầu đạt khoảng 102,6 triệu thùng/ngày, so với dự báo 102,8 triệu thùng/ngày hồi tháng 5. Việc điều chỉnh được thực hiện do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã công bố kế hoạch gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện sang quý 3/2024.
Tổng thể trong năm 2024, EIA cho biết thị trường ở trạng thái thâm hụt khoảng 320.000 thùng/ngày. Điều đó đã thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 6 của OPEC đã duy trì dự báo năm 2024 về tăng trưởng tích cực về nhu cầu dầu, với lý do kỳ vọng về du lịch trong nửa cuối năm. Cụ thể, tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 được OPEC kỳ vọng đạt 2,2 triệu thùng/ngày, không đổi so với ước tính trong tháng 5, cả năm đạt trung bình 104,46 triệu thùng/ngày.
Giá lúa mì kết thúc chuỗi giảm liên tiếp 9 ngày
Thị trường nông sản ghi nhận diễn biến trái chiều. Giá ngô và đậu tương đảo chiều suy yếu. Trong khi đó, giá lúa mì là điểm sáng khi có mức tăng mạnh hơn 3% vào hôm qua, kết thúc chuỗi 9 ngày liên tiếp sụt giảm. MXV cho biết, lo ngại về vụ mùa tại Nga là yếu tố chính đã thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) |
Liên minh Ngũ cốc Nga (RGU) cho biết, sương giá tháng 5 đã gây thiệt hại cho khoảng 15-30% diện tích ngũ cốc vụ đông của nước này. Mức độ thiệt hại tùy theo từng khu vực, và cao hơn nhiều so với mức dự báo 1% mà Bộ Nông nghiệp Nga đưa ra. Trước đó, cơ quan này ước tính rằng khoảng một triệu ha cây trồng - tương đương 1,2% diện tích gieo trồng cho vụ thu hoạch năm 2024 - bị thiệt hại. Bên cạnh đó, triển vọng thời tiết trong thời gian tới tại Nga cũng không quá khả quan và con số trên còn có thể tiếp tục gia tăng.
Trên thị trường nội địa, giá chào bán lúa mì Australia, EU, Nam Mỹ về Việt Nam tương đối ổn định. Ghi nhận trong ngày hôm qua (11/6), tại cảng Vũng Tàu, lúa mì kỳ hạn giao tháng 6 năm nay dao động quanh mức 7.650 - 7.700 đồng/kg.