Chính phủ kiện toàn Tổ công tác đặc biệt về thuế suất tối thiểu toàn cầu

THUẾ Việt nAM
22:26 - 14/04/2023
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.
0:00 / 0:00
0:00
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD, vừa ký Quyết định 22/QĐ-TCTĐB ngày 14/4/2023 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ công tác đặc biệt này.

Quy chế này quy định nguyên tắc, trách nhiệm, chế độ làm việc; cơ chế điều hành, chế độ báo cáo và điều kiện đảm bảo hoạt động của Tổ công tác.

Tổ công tác làm việc theo nguyên tắc quy định tại Điều 4 Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 04/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động của Tổ công tác được thực hiện thông qua cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản của các thành viên. Ý kiến tham gia của các thành viên Tổ công tác là ý kiến chính thức của cơ quan nơi thành viên Tổ công tác làm việc.

Các thành viên Tổ công tác cử cán bộ đại diện thuộc cơ quan mình tham gia Nhóm giúp việc và làm đầu mối phối hợp với Nhóm giúp việc để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác.

Quy chế cũng quy định cụ thể nhiệm vụ của Tổ trưởng, Tổ phó thường trực, Tổ phó, thành viên Tổ công tác.

Danh sách thành viên Tổ công tác đặc biệt

Về danh sách thành viên Tổ công tác đặc biệt theo khoản 5, Điều 1 Quyết định số 55/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng Tổ công tác.

Các tổ phó Tổ công tác gồm: Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc (Tổ phó thường trực); Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Các thành viên Tổ công tác gồm: Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định; Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển.

Trước đó, ngày 12/4, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 120/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động và ảnh hưởng đối với Việt Nam.

Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính về kết quả nghiên cứu, thời gian hoàn thành báo cáo "chính sách Thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động đến Việt Nam".

Tuy vậy, báo cáo của Bộ Tài chính mới chỉ tập trung vào nội dung sửa đổi, điều chỉnh chính sách thuế mà chưa phân tích, đánh giá thật đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là những tác động bất lợi đối với những đối tượng nhà đầu tư mà ta đã cam kết ưu đãi, từ đó ảnh hưởng đến tính hấp dẫn, cạnh tranh thu hút đầu tư của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo. Báo cáo cần bao quát hết các vấn đề phát sinh để đề xuất, kiến nghị các giải pháp thật phù hợp trong thời gian tới, đồng thời báo cáo phải được bố cục chặt chẽ, rõ ràng hơn, theo đó tập trung nêu bật các vấn đề cốt lõi.

Cụ thể gồm quá trình hình thành và nội hàm thuế suất tối thiểu toàn cầu; khẳng định rõ việc Việt Nam cần hay không cần, nên hay không nên tham gia; làm rõ hơn chính sách thuế của ta trong thời gian vừa qua;

Báo cáo cũng phải phân tích đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, trong đó tập trung đánh giá tác động đến: NSNN; nhà đầu tư; thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam; giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là giải pháp đối với những đối tượng bị tác động cần cụ thể rõ ràng, phân tích kỹ tác động.

Tháng 10/2021, 136 quốc gia đã tham gia các cuộc đàm phán do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức và đồng ý với Giải pháp cải cách thuế 2 trụ cột, Trong đó, trụ cột 2 về mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024 tới đây. Đối tượng là các công ty đa quốc gia có doanh thu hợp nhất toàn cầu hằng năm từ 750 triệu EUR (tương đương khoảng 870 triệu USD) trong ít nhất 2 năm trong giai đoạn 4 năm liền kề trước thời điểm thực hiện nghĩa vụ thuế.

Đọc tiếp

Tòa nhà FLC Landmark Tower tại đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: Minh Phong

FLC tiếp tục bị cưỡng chế thuế

CTCP Tập đoàn FLC (UPCoM: FLC) ngày 23/2 công bố các quyết định của Cục thuế TP Hà Nội về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản.