Ảnh minh họa |
Theo đó, Công ty Cổ phần chứng khoán Phố Wall - Wall Street Securities (HNX: WSS) bị phạt 85 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ.
Cụ thể là số lượng chứng khoán cho vay chứng khoán giao dịch ký quỹ đối với mã chứng khoán FID của Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam tại các thời điểm ngày 1/1/2020, 31/3/2020, 30/6/2020, 31/12/2020, 31/3/2021 và 30/6/2021 vượt 5% tổng số chứng khoán niêm yết của một tổ chức niêm yết.
Trước đó, Uỷ ban Chứng khoán cũng đã có văn bản gửi Chứng khoán Tiên Phong TPS (HoSE: ORS) về việc xử phạt vi phạm hành chính do không công bố thông tin theo quy định.
Cụ thể, tháng 12/2020, TPS ký hợp đồng đặt cọc với Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Thủ Thiêm để nhận chuyển nhượng bất động sản làm trụ sở với giá trị hợp đồng 650 tỷ đồng và thực hiện đặt cọc 500 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Sài Gòn Thủ Thiêm, chiếm 123,7% tổng tài sản công ty.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này đã không công bố thông tin theo quy định pháp luật. Xét tính chất và mức độ vi phạm, Uỷ ban Chứng khoán phạt TPS số tiền 85 triệu đồng (mức trung bình trong khung phạt từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng).
Năm 2017, TPS từng bị phạt 100 triệu đồng vì vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng phải nộp phạt 150 triệu đồng do không quản lý tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán theo quy định.
Chứng khoán Tiên Phong tiền thân là CTCP Chứng khoán Phương Đông thành lập vào tháng 12/2006, với vốn điều lệ ban đầu là 60 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ của công ty đã đạt 2.000 tỷ đồng.
Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán, môi giới chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và tự doanh chứng khoán.
Tổng tài sản của ORS tại cuối quý 3 đạt gần 6.128 tỷ đồng, tăng cao gấp 2,8 lần so với hồi đầu năm, tổng nợ phải trả là 3.986 tỷ đồng (tăng gấp 3,2 lần hồi đầu năm) và vốn chủ sở hữu ghi nhận gần 2.142 tỷ đồng (tăng 2,2 lần đầu năm).
Tính tại thời điểm 30/9/2021, dư nợ các khoản cho vay của ORS đạt hơn 1.277 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với đầu năm, trong đó, dư nợ cho vay margin chiếm tới 84% tổng dư nợ cho vay.
Chứng khoán Phố Wall được chính thức công nhận là thành viên của SGDCK Hà Nội ngày 30/01/2008.
Ngày 31/12/2021, HĐQT Chứng khoán Phố Wall vừa triệu tập ĐHĐCĐ bất thường để thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ của công ty.
Theo đó, WSS sẽ chào bán thêm 50,3 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền tỷ lệ 1:1. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá khoảng 503 tỷ đồng. Vốn điều lệ của WSS sau khi phát hành xong cổ phiếu dự kiến đạt 1.006 tỷ đồng.
Việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sẽ được tiến hành trong vòng 90 ngày kể từ ngày được UBCKNN chấp thuận và dự kiến thực hiện trong năm 2022.
Nguồn vốn bổ sung sẽ được sử dụng vào mục đích bổ sung vốn lưu động cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ (103 tỷ đồng) và cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh (400 tỷ đồng).
Trong nhóm các công ty chứng khoán, WSS hiện có kết quả kinh doanh khá ảm đạm. Quý III/2021, Chứng khoán phố Wall lỗ ròng hơn 37,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2020 lãi hơn 4 tỷ đồng.
WSS lý giải khoản lỗ trên liên quan đến các khoản đầu tư tài chính và đánh giá lại giá trị hợp lý của các khoản đầu tư tài chính.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, Chứng khoán phố Wall lỗ ròng gần 20 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên thị trường, WSS có sự tăng, giảm thất thường. Thị giá WSS đạt đỉnh với mức giá 18.300 đồng/cp vào ngày 4/1/2022 sau đó lại quay đầu giảm. Chốt phiên sáng 17/1/2022, WSS đang ở mức 14,200 đồng/cp, giảm 1,5 điểm (9,55%) so với phiên trước đó. Vốn hóa thị trường của WSS đạt 789,71 tỷ đồng.