Quỹ đầu tư của PVI dự kiến bán gần 4,772 triệu cổ phiếu, tương đương giảm tỷ lệ sở hữu tại OPC từ 24,83% (với 15,906 triệu cổ phiếu) xuống còn 17,38% (với hơn 11,134 triệu cổ phiếu). Nguyên nhân được POF đưa ra là để giảm tỷ trọng đầu tư. Sau giao dịch này, POF vẫn là cổ đông lớn của OPC.
Giao dịch của POF được thực hiện theo phương thức thỏa thuận, với gần 4,772 cổ phiếu, quỹ đầu tư thu về gần 142 tỷ đồng, tương ứng giá thỏa thuận bình quân khoảng 29.800 đồng/cp. Mức giá này cao hơn 14% so với thị giá đóng cửa của OPC ngày diễn ra giao dịch, thậm chí còn vượt cả mức đỉnh cao nhất cổ phiếu này từng đạt được (tính theo giá điều chỉnh).
Phiên 21/12 cũng chứng kiến cú “quay xe” bất ngờ của cổ phiếu này sau giai đoạn tăng mạnh từ vùng đáy 2 năm khi giảm gần chạm mức sàn ở vùng giá 26.100 đồng/cp. Kết phiên giao dịch ngày 26/12, thị giá OPC đang dừng ở mức 26.700 đồng/cp, tăng hơn 16% so với hồi đầu tháng 12. Dù vậy, mức giá này còn thấp hơn khoảng 9% so với đỉnh đạt được là 29.300 đồng/cp vào 25/7. Với thị giá này, vốn hóa của OPC đạt hơn 1.710 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính đã công bố, quý III/2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 278 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước, giá vốn hàng bán cũng giảm mạnh 9,4% xuống còn 146 tỷ đồng.
Dù chi phí bán hàng tăng 26,5% lên gần 62 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế của công ty vẫn tăng 9,3% so với cùng kỳ lên hơn 47 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Dược phẩm OPC ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 873 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng gấp 2,1 lần cùng kỳ lên 5,8 tỷ đồng.
Trong khi chi phí tài chính tiết giảm 18,7% xuống còn 6,6 tỷ đồng, thì giá vốn hàng bán tăng 10,7% lên 507 tỷ đồng, chi phí bán hàng cũng tăng 22,2% lên 165 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp tăng gần 20,5% lên 135 tỷ đồng.
Năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.150 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 175 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết quý III, công ty đã hoàn thành 75,9% kế hoạch doanh thu và 77% kế hoạch lợi nhuận.