Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng thêm 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) vào khoảng 6,52% mỗi năm.
Những năm trở lại đây, Việt Nam nhận được sự quan tâm của nước ngoài đối với ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, từ dự định đào tạo kỹ sư thiết kế chip đến đầu tư vào các cơ sở sản xuất linh kiện và vật liệu bán dẫn.
Đáng chú ý, mới đây, FPT Semiconductor, công ty trực thuộc Tập đoàn FPT đã công bố dòng chip bán dẫn tích hợp đầu tiên của hãng được thiết kế tại Việt Nam và sản xuất ở Hàn Quốc.
Chia sẻ trên trang web chính thức của Đại học RMIT ngày 4/10, 3 giảng viên của Đại học RMIT là Tiến sĩ Majo George, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (khoa Kinh doanh và quản trị) và Thạc sĩ Nguyễn Lê Huy (khoa Khoa học, kỹ thuật và công nghệ) đã đưa ra những góc nhìn về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Quyết định đúng thời điểm
TS. Majo George, Giảng viên Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT nhận định, Việt Nam đưa ra quyết định sản xuất chip nội địa trong thời điểm này là đúng đắn.
Giữa tác động của đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị kéo dài cùng với thị trường đầy biến động đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các công xưởng sản xuất bán dẫn lớn nhất Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) gồm Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc dẫn đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu bị gián đoạn.
Trong bối cảnh đó, việc "dấn thân" vào công cuộc sản xuất chip sẽ là tiền đề cho Việt Nam nắm bắt cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất không chỉ tại Việt Nam mà xa hơn nữa là trên khắp thế giới.
Trong tương lai, chip "Make in Vietnam" sẽ phục vụ các ngành công nghiệp khác tại Việt Nam. Điều này có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu và khu vực. TS Majo George cho rằng, với bước tiến này, đây sẽ là một động lực to lớn thúc đẩy Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất nổi bật của khu vực.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Lê Huy, Giảng viên Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT chia sẻ, tham gia vào quy trình nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế và cung ứng chip bán dẫn toàn cầu sẽ là "một miếng mồi ngon" cho nền kinh tế Việt Nam.
Còn đó những thách thức
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, đứng trước những tiềm năng đó, vẫn còn một số thách thức đáng kể trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Ông Majo George cho biết, nguồn nhân lực là một thách thức lớn đối với Việt Nam khi mà nhân công có tay nghề và những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bán dẫn chưa có nhiều dẫn đến một sự thiếu hụt lớn.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, để xây dựng được một nền công nghiệp bán dẫn cạnh tranh, Việt Nam không chỉ cần có mỗi vốn đầu tư mà sự tiếp cận công nghệ phù hợp cũng như xây dựng chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo nguồn cung và thị trường tiêu thụ ổn định sẽ là một bài toán nhiều ẩn số.
Vạch ra chiến lược để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam
Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, với vị thế và khả năng hiện tại, Việt Nam cần phải có chiến lược trung và dài hạn.
Với những chiến lược trung hạn, con người là yếu tố quan trọng để Việt Nam tham gia vào những công đoạn R&D. Do đó, ông Nguyễn Lê Huy đề xuất giải pháp mà Việt Nam cần tập trung tới đó là có những chính sách hỗ trợ các trường đại học trong nước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn.
Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng cần tiếp tục đầu tư và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Intel, Synopsys, Cadence thành lập hoặc mở rộng các trung tâm nghiên cứu và thiết kế ở Việt Nam.
Về dài hạn, Việt Nam cần đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ đó tiến tới tự chủ hoàn toàn tất cả các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất bán dẫn.