'Đại bàng' FDI muốn kéo dài thời hạn thuê đất, Bộ TN&MT hồi đáp

FDI DOANH NGHIỆP
15:56 - 16/10/2023
Ông Bruno Jaspert, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C - Ảnh: VGP
Ông Bruno Jaspert, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C - Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện DEEP C mong muốn và đề nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc đưa ra chính sách khuyến khích Khu công nghiệp Sinh thái bằng việc áp dụng thời gian thuê đất dài hạn hơn cho các khu công nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề "Đồng hành và phát triển" ngày 16/10, ông Bruno Jaspert, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, với vị trí địa lý, chính sách khuyến khích về kinh tế và ổn định chính trị đảm bảo Việt Nam là thiên đường an toàn cho các nhà đầu tư tới thiết lập cơ sở sản xuất mới nhất.

"Việt Nam rất đặc biệt. Với trải nghiệm làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau, tôi không ngừng bất ngờ với tốc độ giải quyết thủ tục thành công của cơ quan chính quyền khi Chính phủ đã có quyết định. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nói với chúng tôi họ sẽ tới Việt Nam với cam kết dài hạn với đất nước này và tương lai của đất nước. Chúng tôi tin rằng chỉ có một tương lai phía trước, đó là tương lai chắc chắn bền vững", Chủ tịch Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C tin tưởng.

Cũng theo đại diện DEEP C, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ tại hội nghị COP26 và cam kết với cộng đồng quốc tế về Trung hoà carbon đến năm 2050. Các bước triển khai ban đầu đã được thực hiện và sẽ còn cần thực hiện các bước tiếp theo.

Theo ông Bruno Jaspert, cần sớm nghĩ về nguồn năng lượng thay thế. Đồng thời, việc xem xét lại khuôn khổ pháp luật về nền kinh tế tuần hoàn và tái chế là cấp bách.

"Hiện nay chúng tôi không thể bán lại nước thải đã qua xử lý do thiếu hành lang pháp lý cần thiết, vì vậy, chúng tôi buộc phải thải nước thải đã qua xử lý ra biển hay sông gần nhất. Việc các quy định còn nửa chừng và chưa có đủ hướng dẫn cho cơ quan địa phương khiến cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa hiểu đầy đủ về vị thế hiện tại của Việt Nam trong việc phát triển bền vững", đại diện DEEP C nói.

Cũng theo đại diện DEEP C, Phát triển bền vững đã trở thành cụm từ mĩ miều trong thời đại ngày nay tuy nhiên không nhiều người đề cập Phát triển bền vững yêu cầu rất nhiều nỗ lực, công sức và chi phí.

"Tôi tin rằng thậm chí ít người biết đến hơn là Việt Nam đã tạo lập xu hướng xanh vì phát triển bền vững với chương trình Khu công nghiệp Sinh thái.

Trong vòng 3 tháng vừa qua, chỉ riêng Khu công nghiệp chúng tôi đã đón tiếp các đại biểu từ Bờ biển Ngà, Indonesia và Úc để nghiên cứu ảnh hưởng của hướng tiếp cận mới này. Đây cũng là minh chứng cho việc Việt Nam đang xây dựng mô hình khác biệt nhưng đáng để các quốc gia các học tập theo", Chủ tịch DEEP C nhấn mạnh.

Theo đó, vị đại diện DEEP C mong muốn và đề nghị Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam cân nhắc đưa ra chính sách khuyến khích Khu công nghiệp Sinh thái bằng việc áp dụng thời gian thuê đất dài hạn hơn cho các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn đó.

Đồng thời kết hợp chính sách này với việc áp dụng thuế đặc biệt đối với các khu không thể hoặc không muốn tuân thủ và sử dụng nguồn thu này để xây dựng quỹ phát triển tương lai bền vững.

Môi trường đầu tư toàn cầu ngày càng theo hướng tiếp cận bền vững và toàn diện. Các nhà đầu tư càng ngày càng nhắm tới lợi ích ngắn hạn về ưu đãi thuế, chi phí lao động rẻ và quy định pháp luật môi trường chưa phát triển không dài hạn.

"DEEP C đề nghị Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân nhắc các biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững mới và thống nhất tiêu chuẩn báo cáo phi tài chính.

Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ban ngành đưa ra giải pháp mới", ông Bruno Jaspert nhấn mạnh.

Sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư mở rộng việc tiếp cận đất đai

Hồi đáp ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chia sẻ 3 nội dung đáng chú ý:

Thứ nhất, mong muốn về thời hạn sử dụng đất, Thứ trưởng nêu rõ, theo Luật Đất đai năm 2013, điều 56 quy định, các dự án đầu tư có thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Trường hợp các dự án có vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, các dự án có vốn đầu tư vào khu vực kinh tế-xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn cần phải có thời gian kéo dài thì thời hạn không quá 70 năm.

Đó là quy định khi hết thời hạn sử dụng đất, do vậy các nhà đầu tư phải gia hạn quyền sử dụng đất theo thời hạn nêu trên.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi trong đó đề cập đến vấn đề gia hạn quyền sử dụng đất theo hướng cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi hết thời hạn sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích của quy hoạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài vào Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

Thứ hai, về tiếp cận đất đai của nhà đầu tư nước ngoài, theo quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao; ngoài 3 khu vực này, nhà đầu tư phải được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Như vậy so với cách tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp trong nước thì các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn thiếu một nội dung là trực tiếp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các dự án không thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư.

"Thủ tướng rất quan tâm nội dung này, đã chỉ đạo Bộ thực hiện. Trong ngày hôm nay, Bộ sẽ hoàn thiện hồ sơ lần cuối để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có tiếp thu và thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư mở rộng việc tiếp cận đất đai ngoài khu vực như luật cũ, trong đó có tính đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất", Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định.

Thứ ba, liên quan đến nước thải, hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Nghị định 08. Tại Hội nghị này, Bộ xin ghi nhận các ý kiến.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh thì việc tái sử dụng, kể cả nước thải, cũng hết sức cần thiết. Do đó quy định sẽ hướng đến vừa đảm bảo công tác bảo vệ môi trường cho khu công nghiệp, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển kinh tế.

Đọc tiếp