Các xạ thủ thuộc Lữ đoàn cơ giới riêng biệt số 43 của Lực lượng vũ trang Ukraine bắn vào một vị trí của Nga bằng pháo tự hành 155 mm ở khu vực Kharkiv ngày 21/4/2024. Ảnh: CNN |
Sau nhiều tháng bị đình trệ, Hạ viện Mỹ ngày 20/4 theo giờ địa phương đã thông qua các dự luật về viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm cung cấp 60,84 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine, 26 tỷ USD cho Israel và 8,12 tỷ USD cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong tổng số gần 61 tỷ USD hỗ trợ Ukraine, khoảng 23 tỷ USD sẽ được sử dụng để bổ sung vũ khí, kho dự trữ và cơ sở vật chất do Mỹ cung cấp; hơn 11 tỷ USD sẽ tài trợ cho các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ trong khu vực; gần 14 tỷ USD sẽ giúp Ukraine mua các hệ thống vũ khí tiên tiến và các thiết bị phòng thủ khác.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ cảm ơn các nhà lập pháp Mỹ vì đã thông qua gói viện trợ cho Ukraine và cảm ơn Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson vì “giúp lịch sử đi đúng hướng”.
“Dự luật viện trợ quan trọng của Mỹ được Hạ viện thông qua ngày 20/4 sẽ ngăn chặn xung đột không lan rộng, cứu sống hàng nghìn, hàng nghìn sinh mạng và giúp cả hai quốc gia chúng ta trở nên hùng mạnh hơn. Hòa bình và an ninh chỉ có thể đạt được thông qua sức mạnh,” ông Zelensky nhấn mạnh.
Tuy nhiên Điện Kremlin đã bày tỏ thái độ không đồng tình khi cho rằng gói viện trợ bổ sung sẽ chỉ khiến nhiều người Ukraine thiệt mạng hơn nữa. Hãng tin RT dẫn lời người phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 22/4: “Về cơ bản, điều này sẽ không thay đổi tình hình trên chiến trường”.
Theo ông, Nga đang có những bước tiến ổn định trên các mặt trận trong khi động lực của cuộc xung đột hiện “hoàn toàn rõ ràng trước mọi người”. Số tiền cũng như vũ khí mà Mỹ sẽ phân bổ cho Ukraine vì vậy “sẽ không dẫn đến sự thay đổi trong động lực này”.
Thay vào đó, ông Peskov nhận định: “Chúng sẽ dẫn đến thương vong mới cho người Ukraine khi nhiều người Ukraine sẽ thiệt mạng hơn và Ukraine sẽ chịu tổn thất lớn hơn”.
Trước đó vào ngày 20/4 khi dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã tuyên bố Mỹ đang sử dụng Ukraine làm “bia đỡ đạn” và hy vọng duy trì Kiev cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Bà khẳng định cuối cùng thì Mỹ sẽ phải đối mặt với một “thất bại ồn ào và nhục nhã”.
Theo tờ Financial Times dẫn lời một số quan chức Ukraine giấu tên, đợt viện trợ mới nhất của Mỹ có thể giúp làm chậm bước tiến của quân Nga nhưng sẽ không ngăn được họ. Tờ báo này lưu ý rằng không có lượng vũ khí và đạn dược nào từ phương Tây có thể giải quyết được vấn đề lớn nhất của Kiev: thiếu nhân lực.
Ông Kirill Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine, cũng dự đoán “một tình thế khá khó khăn” trên chiến trường đối với chính quyền Kiev trong những tháng tới.