DIG về đỉnh 18 tháng, MSN bị khối ngoại 'xả' hơn 1.000 tỷ đồng

DIG MSN
16:12 - 27/03/2024
Giao dịch nhóm xây dựng và bất động sản phiên 27/3.
Giao dịch nhóm xây dựng và bất động sản phiên 27/3.
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số VN-Index vẫn chưa thể bứt phá khỏi vùng 1.280 điểm để tiến lên ngưỡng 1.300 như kỳ vọng. Nguyên nhân một phần bởi áp lực bán ròng từ khối ngoại ngày một mạnh hơn, với tâm điểm hôm nay là MSN.

VN-Index đóng cửa phiên 27/3 ở mốc 1.283,09 điểm, tăng nhẹ gần 1 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index cũng tăng 0,8 điểm, còn UPCoM giảm nhẹ. Thanh khoản chưa có sự bứt phá, với tổng giá trị giao dịch trên kênh khớp lệnh đạt hơn 24.000 tỷ đồng.

Khối ngoại gia tăng giao dịch với hơn 8.000 tỷ đồng, bán ròng gần 2.000 tỷ đồng trên sàn HoSE. Riêng MSN bị bán ròng đột biến hơn 1.000 tỷ đồng. Danh sách còn có VIX -177 tỷ đồng, VHM -135 tỷ đồng, GEX -119 tỷ đồng, VNM -72 tỷ đồng, VRE -43 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ FUEVFVND -40 tỷ đồng; VCI, HPG, DGW cùng bị bán ròng khoảng 38 tỷ đồng...

Chiều ngược lại, mã được mua ròng mạnh nhất là VSC, với giá trị chỉ 45 tỷ đồng. HSG và MWG cũng được mua ròng khoảng 30 tỷ đồng. Một số mã được mua ròng 10-20 tỷ đồng như TPB, DBD, PTB, DPG, PLX, KDH...

VN30 tăng 2,5 điểm, với đóng góp lớn nhất đến từ MWG. Cổ phiếu của Thế giới Di động tăng 4,2% lên mốc 50.700 đồng/cp, tăng khoảng 15% trong vòng một tháng qua. Mã này vẫn đang được nhiều đơn vị phân tích kỳ vọng trở lại vùng 58.000-60.000 đồng, cùng sự hồi phục của thị trường bán lẻ.

Các bluechip tăng đáng kể còn có MSN +1,9%, SAB +1,1%, SSI +1,3%, VJC +1,1%. ACB, BCM, BVH, CTG, FPT, HPG, MBB tăng nhẹ. Chiều giảm có VRE giảm sâu nhất 1,7%. GVR cũng giảm 1,5%, còn lại giảm dưới 1%.

Dòng tiền hôm nay chú ý nhiều hơn tới các cổ phiếu nhỏ. Các mã tăng mạnh, thanh khoản đột biến như VSC của nhóm vận tải kho bãi, tăng trần và khớp lệnh hơn 13 triệu đơn vị; HBC của nhóm xây dựng, tăng hơn 4% và khớp lệnh gần 5 triệu đơn vị; TNG của nhóm dệt may, tăng hơn 4%, khớp lệnh 4,3 triệu đơn vị; VGI của nhóm Viettel tăng 9,6%, khớp lệnh 3,8 triệu đơn vị; QCG tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp lên giá 12.450 đồng/cp...

Nhóm bán lẻ tăng vốn hoá mạnh nhất nhờ hiệu suất vượt trội của MWG, sự hỗ trợ của MSN. DGW và PNJ cũng tăng nhẹ trong khi FRT giảm 0,6%.

Nhóm thép và chứng khoán là trụ cột để giữ thị trường ở thế cân bằng. Nhóm thép, ngoài HPG tăng nhẹ thì nhiều mã nhỏ cũng ở chiều tăng. NKG đứng tham chiếu. Tích cực nhất là HSG tăng 2,6% lên vùng giá 24.100 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 4/2022. Sau giai đoạn tích luỹ ở vùng giá 22.000 đồng, cổ phiếu của Hoa Sen Group đang được kỳ vọng sẽ bước vào “con sóng” mới.

Nhóm chứng khoán ghi nhận SSI tăng 1,3%, HCM tăng 2,5%, SHS và VIX tăng nhẹ. Một số mã nhỏ cũng tăng giá như ABW, AAS, AGR, BMS, BSI, CSI, DSC, TCI... Chiều giảm có VCI, VDS, VFS, VND, VIG, HBS... nhưng mức giảm chỉ trên dưới 1%.

VND không còn giao dịch sôi động như hai phiên trước nhưng thanh khoản vẫn dẫn đầu nhóm, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37 triệu đơn vị. Hệ thống giao dịch của công ty chứng khoán này hôm nay vẫn chưa thể hoạt động, sau khi bị tổ chức quốc tế tấn công từ hôm 24/3. Nhà đầu tư mở tài khoản tại VND không thể đặt lệnh trong 3 phiên vừa qua.

Nhóm bất động sản và ngân hàng đều ở chiều giảm. Biên độ giao dịch của các cổ phiếu ngân hàng rất hẹp, các mã tăng giảm chỉ trên dưới 1%. Chiều tăng có ACB, BAB, CTG, KLB, MBB, NAB, OCB, TPB, VPB. ABB, BVB, SHB, VAB, VPB đứng tham chiếu, còn lại ở chiều giảm.

Nhóm bất động sản giảm nhẹ vốn hoá do áp lực từ VHN -0,6%, VRE -1,7%, KBC -1,5%, KDH -0,5%... DIG tăng tốt 2,5%, về lại mức giá 32.750 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 9/2022. Chỉ từ đầu tháng 3 đến nay, cổ phiếu này đã tăng hơn 23% giá trị.

Các mã bất động sản ở chiều tăng còn có DXG +2,2%, NVL +1,4%, HDG +2,1%, ITA +1,8%, TIG +2,2%; BCM, PDR, VPI, KSF, TCH... tăng nhẹ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.