Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Tân Nhật. |
Tính đến 1/6/2022, đã có 128 quốc gia, bao gồm các nước hiện nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, hình thành các cơ hội hoặc thách thức mới. Để tránh rủi ro và nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp cần thay đổi càng sớm càng tốt theo hướng giảm phát thải, đặc biệt là xanh hóa chuỗi cung ứng.
Tại Hội thảo “Doanh nghiệp ngành gỗ và Hành trình tới Net-Zero: Cơ hội hay thách thức, ngày 29/12, TS. Hà Huy Tuấn, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM) của EU sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành gỗ.
Cơ chế điều chỉnh CBAM đang được các bên đàm phán từ 2019 - 2022 trong khuôn khổ thỏa thuận xanh của châu Âu. Cơ chế này sẽ có hiệu lực từ 2023, qua thời kỳ quá độ 2022 – 2026 để tổng hợp dữ liệu, trao đổi thông tin, thí điểm kê khai và dự kiến được áp dụng chính thức từ 2027.
CBAM sẽ được áp dụng với các mặt hàng sắt, thép, nhôm, điện, phân bón và xi măng và mở rộng ra toàn bộ các sản phẩm nhập khẩu từ năm 2030. Các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng thuộc phạm vi áp dụng CBAM có khả năng phải trả thêm khoản phí xả thải.
"Câu chuyện trước mắt đối với Việt Nam là về mặt pháp lý, chưa có nghị định thông tư hướng dẫn về vấn đề này, cần chuẩn bị phương án thích ứng phù hợp. Đây là thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu nhất là khi các doanh nghiệp này phải tự kê khai lượng phát thải nhà kính".
Về phía doanh nghiệp, cần thận trọng quan sát các ứng xử của các đối tác để cùng đàm phán về quy tắc ứng xử chung với quy định mới này.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, nhất là các ngành hàng xuất khẩu sang EU, nghiên cứu xem xét lại thị trường và các mặt hàng tiềm năng, cập nhật thường xuyên thông tin liên quan về CBAM.
Đại diện doanh nghiệp ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhìn nhận, chứng chỉ xanh đối với các doanh nghiệp hiện như "bùa hộ mệnh" càng nhanh trang bị càng tốt. Khẩu hiệu chuyển đổi xanh nhiều được nhắc tới nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ về cách thực hiện.
"Nhận định ngành gỗ tuy còn thời gian nhưng ông Lập cho rằng, với chu kỳ 5 năm thì là khoảng thời gian quá ngắn cho một ngành nghề để chuyển đổi, vì liên quan đến vấn đề công nghệ, chuyển đổi phương thức sản xuất là những yếu tố cần thời gian dài để thay đổi"
“Ngành gỗ có thể sẽ phải thuê bên tư vấn để có nhận thức đầy đủ, xây dựng hình mẫu một mô hình sản xuất phát thải thấp và sau đó mở rộng cho toàn ngành. Trong đó, tập trung vận động những doanh nghiệp lớn có nguồn lực đi trước. Đây cũng là những doanh nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất nên cần tiên phong thay đổi đầu tiên, làm hạt nhân cho làn sóng chuyển đổi toàn ngành”, ông Lập nhận định.
Tiềm năng lớn từ thị trường carbon
Bên cạnh những thách thức đặt ra, ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc Điều hànhChương trình Quản lý tài nguyên và Chính sách thương mại, Forest Trends chỉ ra những cơ hội của ngành gỗ trong bối cảnh xanh hóa.
Việt Nam nằm trong số 59 quốc gia đã đưa cam kết netzero vào nội luật hóa, chính sách. Hiện lượng phát thải Việt Nam chiếm 0,8% tổng lượng phát thải toàn cầu, tập trung vào ngành năng lượng, sản xuất công nghiệp, năng lượng và chất thải tạo ra.
Thị trường carbon của Việt Nam sẽ được hình thành trong tương lai. Theo Nghị định 06 nêu rõ thị trường carbon sẽ chính thức vận hành từ 2028.
"Ngành lâm nghiệp sẽ có thể đón nhận cơ hội từ thị trường carbon bởi trồng rừng sẽ cung cấp dịch vụ lưu trữ và hấp thụ carbon. Việc tăng lưu trữ và hấp thụ carbon được lượng hóa theo tín chỉ carbon. Tín chỉ này sẽ được giao dịch trên thị trường"
Với thị trường bắt buộc, Việt Nam đã tham gia Quỹ Đối tác carbon Lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới, với mục tiêu giảm phát thải và mất rừng. Dự kiến Việt Nam sẽ bán 10,3 triệu tấn CO2 cho Quỹ này, với giá 5USD/tấn vào năm 2024.
Đồng thời, với việc tham gia sáng kiến LEAF, Việt Nam đồng ý tăng cường bảo vệ 4,26 triệu ha rừng ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022 – 2026 và sẽ bán 5,15 triệu tấn CO2 cho LEAF với giá 10USD/tấn.
Với thị trường tự nguyện, các công ty đang đặt ra mục tiêu giảm phát thải. Hiện một số công ty quốc tế đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, mua tín chỉ carbon lâm nghiệp. Đây là cơ hội cho ngành lâm nghiệp Việt Nam. Một số địa phương đã bắt đầu thảo luận với các đối tác và xin cơ chế của Chính phủ để tham gia thị trường này.
Theo quy định của Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp thuộc 6 lĩnh vực năng lượng, giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông – lâm nghiệp, chất thải phải thực hiện kiểm kê phát thải.
Trong 1.912 doanh nghiệp có tên trong danh sách, ngành gỗ có 62 doanh nghiệp (16 doanh nghiệp ván gỗ, 43 doanh nghiệp đồ gỗ, 3 doanh nghiệp viên nén). Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, đây là con số chưa đầy đủ và danh sách này sẽ dài hơn trong tương lai. Các doanh nghiệp có tên trong danh sách sẽ phải cải tiến công nghệ, mua tín chỉ carbon, điều chỉnh sản xuất để giảm lượng phát thải theo hạn ngạch cho phép.
Bên cạnh CBAM của EU, thông tin từ Quỹ châu Á cho biết, Mỹ và Anh, Hàn, Nhật cũng có những thông tin tương tự EU đang chuẩn bị những dự luật cạnh tranh về cắt giảm phát thải.