Ảnh minh họa. |
Phát biểu tại Hội thảo “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” sáng 19/10, TS Cấn Văn Lực, thành viên hội đồng tư vấn chính sách Tài chính, tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh du lịch là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
TS Cấn Văn Lực, thành viên hội đồng tư vấn chính sách Tài chính, tiền tệ Quốc gia. |
“Đối với Việt Nam, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế tổng hợp. Năm 2019, du lịch đóng góp trực tiếp 755.000 tỷ đồng doanh thu, tương đương 12,5% GDP. Trong 9 tháng đầu năm 2023 , ngành du lịch thu về 526.500 tỷ đồng (tương đương 7,24% GDP), trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16% và du lịch lữ hành tăng 47,7% so cùng kỳ năm trước”, ông Lực cho hay.
Dù được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng theo ông Lực hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch chưa có những đột phá, nhất là trong phát triển hạ tầng du lịch.
Về thực trạng hạ tầng du lịch của Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo do báo Đầu tư tổ chức, TS Cấn Văn Lực cho biết: "Chúng ta đang ở mức trung bình so với các nước được khảo sát về hạ tầng lưu trú bao gồm cả nhà hàng, khách sạn, resort, an toàn an ninh kinh tế. Quy mô cơ sở lưu trú của Việt Nam tăng còn chậm".
Cuối năm 2022, tổng số cơ sở lưu trú du lịch là 35.000 cơ sở, tăng 16,7% so với năm 2019. Quy mô số phòng đạt 700.000 buồng, tăng 7,7% so với cuối năm 2019. Các cơ sở lưu trú chủ yếu là xếp hạng 3 sao hoặc không xếp hạng. Các cơ sở xếp hạng cao cấp chỉ chiếm tỷ trọng thấp như cơ sở xếp hạng 5 sao chiếm 10,7%; hạng 4 sao chiếm 6,6%.
Về chính sách phát triển du lịch, chuyên gia này cho biết xếp hạng chỉ số chính sách và mức độ sẵn sàng phát triển du lịch của Việt Nam năm 2021 đứng thứ 55/117 quốc gia, thấp hơn Indonesia (thứ 52); Malaysia (thứ 38); Thái Lan (thứ 28) và Singapore (thứ 6).
Một số chính sách ưu đãi đối với ngành du lịch chưa được cụ thể hóa rõ trong một số luật, quy định liên quan; khung pháp lý trong việc tiếp cận đất đai với các dự án phát triển du lịch còn nhiều rào cản, các quy định về cấp và chuyển nhượng quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất thương mại, dịch vụ du lịch (condotels, shophouse) thiếu đồng bộ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnREA) cho biết, theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, trong các yếu tố cản trở tốc độ, quy mô và quyết tâm tham gia vào thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam, yếu tố kinh tế - tài chính chiếm 30%, yếu tố pháp lý chiếm 50% và yếu tố khác chiếm 20%.
Số liệu trên cho thấy những vấn đề pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng đã và đang gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư về tính an toàn pháp lý hay những rủi ro có thể xảy ra.
Từ thực tế kinh doanh, TS. Đỗ Thanh Trung, Cố vấn Ban giám đốc CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang nêu: "Hiện muốn tiếp cận đất đai để làm hạ tầng du lịch, nhà đầu tư chỉ có hai phương án: Đấu giá quyền sử dụng đất khi dự án sử dụng quỹ đất do các cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý hoặc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất".
TS. Đỗ Thanh Trung, Cố vấn Ban giám đốc CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang. |
"Với các dự án du lịch, vui chơi, giải trí có quy mô lớn mà khu đất không thuộc quỹ đất do cơ quan Nhà nước quản lý thì nhà đầu tư chỉ có thể thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, tại một khu đất với diện tích lớn thì việc thỏa thuận được 100% các hộ dân là điều rất khó", ông Trung trăn trở.
Do vậy, ông Trung kiến nghị Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng du lịch cùng những dự án bất động sản liên quan đến thương mại dịch vụ du lịch. Bởi nếu có lợi thế mà không có mặt bằng phát triển sẽ khó.
"Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư có quỹ đất phát triển du lịch cũng như các điều kiện để đưa đất phát triển du lịch vào nhóm 30 trường hợp được Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế", đại diện Phúc Khang kiến nghị.
Mở đường cho doanh nghiệp du lịch tiếp cận đất đai qua các dự án
Trước thực trạng trên, tại hội thảo hầu hết các chuyên gia đồng tình với kiến nghị bổ sung đất phát triển du lịch vào nhóm được Nhà nước thu hồi đất, tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng rất khó xác định được khái niệm đất du lịch.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng: "Không thể xác định được khái niệm đất du lịch bởi du lịch là một lĩnh vực rất rộng lớn. Muốn phát triển hạ tầng du lịch chỉ có thể tiếp cận theo từng dự án".
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu. |
"Tuy nhiên chúng ta cũng không thể tiếp cận theo phương án cào bằng, mà nên tiếp cận theo hướng những dự án thật sự quan trọng tạo ra các tác động lớn", ông Hiếu gợi mở.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển G6 cho rằng, nếu "cào bằng" thu hồi đất với tất cả các dự án du lịch sẽ gây ra một số tác động tới sinh kế của người dân.
Ông Quê lấy ví dụ, những dự án du lịch tại Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng sẽ làm thay đổi toàn bộ kinh tế - xã hội của khu vực vì vậy tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai khu vực này là cần thiết. Nhưng với những khu vực miền núi, trung du, đất đai là sinh kế của người dân, nếu đất đai trong diện thu hồi, chủ đầu tư "om" đất lâu không thực hiện người dân không thể canh tác, nuôi trồng sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
"Vì vậy, Nhà nước cần có những điều kiện chặt chẽ trong việc thu hồi đất với từng dự án du lịch", ông Quê đề xuất.