Doanh nghiệp Việt vẫn còn 'loay hoay' đổi mới sáng tạo

CÔNG NGHỆ Việt nAM
17:17 - 05/06/2024
Doanh nghiệp Việt vẫn còn 'loay hoay' đổi mới sáng tạo
0:00 / 0:00
0:00
TS Võ Trí Thành nhận định tại một hội thảo sáng nay 5/6, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là tất yếu. Nếu Việt Nam không chớp được cơ hội này, thì không còn cơ hội khác. Để tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi số cần "may đo" nhưng không "may sẵn".

Phát biểu tại diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững diễn ra ngày 5/6, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, Việt Nam có tiềm năng như một trung tâm công nghệ đang lên, thu hút sự chú ý và đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.

Những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Ba loại hình bên mua chủ yếu tham gia vào thị trường Việt Nam gồm các công ty quy mô khu vực, công ty công nghệ trong nước và các tập đoàn trong nước.

"Khi thị trường ngày một trưởng thành, các công ty và tập đoàn trong nước ngày càng đóng vai trò chủ động hơn trong thị trường M&A, tích cực tìm kiếm những thương vụ chiến lược giúp họ nâng cao năng lực công nghệ và mở rộng thị trường," ông Thịnh nói.

Như vậy, xu hướng vận động trong cộng đồng doanh nghiệp hướng về số hóa là rõ nét. Chuyên gia kinh tế và hội nhập, TS. Võ Trí Thành khẳng định rằng, đối với doanh nghiệp nói riêng, chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc và đối với nền kinh tế Việt Nam, "là một cơ hội chưa từng có".

TS VÕ TRÍ THÀNH

Hiện nay, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là tất yếu. Nếu Việt Nam không chộp cơ hội này, thì không còn cơ hội khác. Để tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi số cần "may đo" nhưng không "may sẵn".

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 25% GDP. Mặc dù vậy, mục tiêu này vô cùng thách thức khi ước tính ban đầu của Tổng cục Thống kê, năm 2023 con số này chỉ chiếm khoảng gần 13%. Trong số này, kinh tế số đa phần đến từ hoạt động sản xuất phần cứng máy tính, công nghệ thông tin, thiết bị điện tử.

Để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, TS. Võ Trí Thành cho biết, về mặt quản trị Nhà nước và doanh nghiệp, có 4 từ rất quan trọng là tốc độ, linh hoạt, thí điểm và học hỏi.

"Tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam không chỉ là công nghiệp, dịch vụ mà cả nông nghiệp đều phải 'ấn được số' vào hoạt động vận hành," TS Võ Trí Thành ví von.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp, năm 2023 đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh với điểm mức độ sẵn sàng đổi mới sáng tạo ở tất cả các ngành đều vượt lên trên trung bình (>2,5), tăng từ 0,7-1,4 điểm so với năm 2022.

Theo báo cáo về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm trước đó.

Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo (gồm 5 trụ cột: thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở vật chất, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của doanh nghiệp) tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57. Đầu ra đổi mới sáng tạo (gồm 2 trụ cột: sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo) tăng một bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40.

Với thứ hạng trên, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ghi nhận Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua, đồng thời nằm trong Top 3 quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.

Vẫn còn những khó khăn

Tuy nhiên, bà Hương cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại khi đổi mới sáng tạo. Các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn dàn trải, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực. Vẫn còn hạn chế trong việc xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp; thiếu kết nối giữa các viện, trường đại học với ý tưởng khởi nghiệp.

Khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư vốn cho hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều. Mức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) so với GDP của hệ sinh thái Việt Nam vẫn còn thấp và có xu hướng giảm.

Năm 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm 2022, theo báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2023.

Trong khi đó, các nước trong cùng khu vực đã có sự gia tăng về nguồn vốn đầu tư vào hoạt động này và nhanh chóng vươn lên trên bảng xếp hạng năm 2023 như Thái Lan là 1,3% (tăng 4 hạng), Singapore 2,2% (tăng 3 hạng) và Malaysia 1%.

3 trụ cột chính trong chuyển đổi kép

Tại sự kiện do tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp cũng khẳng định những thành tựu nhất định trong chuyển đổi số của Việt Nam - một xu thế tất yếu đối với cả nền kinh tế và các doanh nghiệp.

Trở ngại cho chuyển đổi số có lẽ không chỉ nằm ở quá trình hoàn thiện chính sách của Nhà nước mà còn trong chính quyết tâm và chiến lược của từng doanh nghiệp.

Chặng đường phía trước, theo bà Hương, doanh nghiệp nên thật sự chú trọng tới chuyển đổi kép, với hàm ý chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh, là xu hướng tất yếu mà doanh nghiệp nên nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.

"Chuyển đổi kép xoay quanh 3 trụ cột chính gồm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính".
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp

Bà Hương đề cập tới 3 giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp quyết tâm hơn trong chuyển đổi số, xanh và bền vững. Một là, đào tạo chuyên sâu để nâng cao năng lực chuyển đổi số trong doanh nghiệp, từ cấp lãnh đạo, quản lý cho đến kỹ sư, người lao động.

Hai là, tư vấn xây dựng chiến lược, lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp đồng thời triển khai những bài toán thực tế cho doanh nghiệp có nhu cầu. Ba là, hỗ trợ kết nối một phần hoặc toàn phần về một số phần mềm, công nghệ cụ thể để doanh nghiệp ứng dụng trong chuyển đổi số.

Nhìn từ góc độ truyền thông chính sách, bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần tạo điều kiện về chính sách để doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào hoạt động truyền thông chính sách nhiều hơn và phát triển các công nghệ nền tảng để lưu trữ, khai thác, phổ biến và phát triển dữ liệu truyền thông chính sách.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với các vườn ươm, các doanh nghiệp công nghệ số, nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực truyền thông chính sách, nhất là trong sản xuất sản phẩm truyền thông, chuyển giao công nghệ truyền thông.

Tin liên quan

Đọc tiếp