Lễ khởi công 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành. Ảnh: ACV |
Ngày 14/7, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức Lễ khởi công 2 tuyến đường gồm tuyến số 1 và tuyến số 2 kết nối cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.
Theo ACV, gói thầu này do liên danh các công ty trong đó Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu thực hiện. Thời gian xây dựng trong 885 ngày, giá trị hơn 2.630 tỷ đồng. Việc xây dựng 2 đường kết nối rất quan trọng, là dấu mốc mở ra một đại công trường với nhiều hạng mục cùng được triển khai tại sân bay Long Thành.
Trong đó, tuyến chính số 1 dài 4,3km với vận tốc thiết kế đạt 80km/h bắt đầu từ ranh giới phía Tây của sân bay Long Thành đến quốc lộ 51 để đảm bảo kết nối giao thông từ sân bay đến khu vực TP HCM và các tỉnh phía Tây của sân bay.
Đây còn là tuyến đường lưu thông, vận chuyển máy móc, trang thiết bị chính phục vụ thi công xây dựng các hạng mục sau này của dự án xây dựng cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1.
Tuyến chính số 2 dài 3,5km với tiêu chuẩn đường cao tốc cùng vận tốc thiết kế đạt 100km/h nằm trên tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn giữa cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và là tuyến đường rất quan trọng tạo thành hệ thống kết nối cho cảng HKQT Long Thành.
Phối cảnh 2 tuyến đường kết nối dự án. Ảnh: ACV |
Tại lễ khởi công, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Khương Văn Cương cho biết, để gói thầu 6.12 về đích đúng hạn phụ thuộc vào quá trình giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu phục vụ dự án. Hiện nay, tuyến số 1 mới bàn giao được khoảng 70% mặt bằng, tuyến số 2 chưa có bằng mặt bằng.
Ngoài ra, để làm 2 tuyến đường, các nhà thầu cần hơn 1 triệu m3 đất đắp và khoảng 224.000m3 cát, đá.
Do vậy, liên danh nhà thầu mong muốn cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai sớm bàn giao mặt bằng phục vụ dự án, nhất là tại các phạm vi đường găng tiến độ như cầu lớn, nút giao, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhà thầu tiếp cận các mỏ vật liệu, nhất là đất đắp.
Trong quá trình triển khai dự án, nhà thầu mong được nhận sự hỗ trợ từ chủ đầu tư, sự thông cảm, chia sẻ từ cộng đồng, đặc biệt là những gia đình trong vùng dự án.
Sân bay Long Thành là dự án quan trọng đặc biệt cấp Quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Giai đoạn 1 của dự án có quy mô 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất mỗi năm 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa.
Sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam với công suất 100 triệu hành khách/năm.