Đông Nam Á nhận 6,3 tỷ USD đầu tư xanh trong năm 2023

môi trường asean
18:18 - 16/04/2024
Khoảng 6,3 tỷ USD đầu tư xanh đã được đổ vào khu vực Đông Nam Á năm 2023 theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek công bố ngày 15/4. Ảnh: Fidelity International
Khoảng 6,3 tỷ USD đầu tư xanh đã được đổ vào khu vực Đông Nam Á năm 2023 theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek công bố ngày 15/4. Ảnh: Fidelity International
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo công bố ngày 15/4 bởi Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek cho thấy khu vực Đông Nam Á ghi nhận sự gia tăng đáng kể về đầu tư xanh trong năm 2023.

Theo hãng tin CNBC trích dẫn báo cáo trên, có khoảng 6,3 tỷ USD đầu tư xanh đã được đổ vào khu vực Đông Nam Á trong năm 2023, tăng mạnh 21% so với cùng kỳ năm 2022.

Các dự án năng lượng tái tạo vẫn là chủ đề đầu tư xanh chính trong khi các dự án trung tâm dữ liệu xanh ghi nhận mức tăng đầu tư lớn nhất so với năm 2021. Các động lực đầu tư lớn khác ở Đông Nam Á bao gồm đầu tư vào quản lý chất thải như xử lý nước và tái chế nhựa.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới làn sóng đầu tư vào các trung tâm dữ liệu tăng lên tới từ sự xuất hiện của những công nghệ mới sử dụng nhiều dữ liệu như AI, dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng.

Theo một báo cáo công bố hồi tháng 1/2024 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, mức tiêu thụ năng lượng của ngành AI dự kiến sẽ tăng ít nhất 10 lần trong khoảng thời gian từ năm 2023 đến 2026 và khu vực Đông Nam Á sẽ không nằm ngoài xu hướng này.

Trong khu vực, Malaysia và Singapore nằm trong số các chính phủ Đông Nam Á tích cực nhất trong việc thúc đẩy đầu tư lớn vào các trung tâm dữ liệu xanh nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng hơn và ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch.

Cụ thể, theo báo cáo trên, Malaysia đã thu hút được nguồn tài chính xanh quy mô lớn trị giá hơn 500 triệu USD cho ít nhất hai trung tâm dữ liệu trong năm 2023. Thông qua các dự án này, Malaysia đạt được bước nhảy vọt về đầu tư xanh hàng năm lớn nhất so với tất cả các quốc gia trong khu vực với mức tăng trưởng 326% so với năm 2022.

Trong khi đó, công ty viễn thông lớn nhất Singapore, Singtel, đã nhận được khoản vay xanh thời hạn 5 năm trị giá 401 triệu USD nhằm cải thiện hiệu quả tại tất cả các trung tâm dữ liệu của mình, bao gồm cả trung tâm dữ liệu xanh 58 MW sắp được xây dựng. Động thái này được đưa ra sau khi chính phủ Singapore công bố tiêu chuẩn bền vững cho các trung tâm dữ liệu hoạt động ở vùng khí hậu nhiệt đới.

Tuy nhiên bất chấp xu hướng gia tăng đầu tư xanh tích cực trong khu vực, các tác giả của báo cáo nhận định Đông Nam Á vẫn cần nhiều hơn thế để có thể đáp ứng được các mục tiêu quan trọng về khí hậu.

CNBC trích dẫn báo cáo cho biết các quốc gia trong khu vực này sẽ cần khoảng 1.500 tỷ USD đầu tư tích lũy vào lĩnh vực năng lượng và môi trường để đạt được các mục tiêu đóng góp do quốc gia xác định vào năm 2030. Dù vậy tới hiện tại, mới chỉ có 1,5% trong tổng số tiền trên được đầu tư và nhiều quốc gia đang đứng trước nhiều khó khăn trong việc thực hiện cam kết của mình.

Trong khi đó, năng lượng tái tạo mới chỉ chiếm chưa tới 10% nguồn cung cấp năng lượng của khu vực..

Chi phí vốn cao cũng như các quy định về lưới điện và thuế quan không chắc chắn cũng khiến việc cấp vốn cho các dự án tái tạo trở nên khó khăn hơn.

Nhận định về tình hình, bà Kimberly Tan, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại GenZero, cho biết: “Chúng tôi tin rằng việc thúc đẩy nỗ lực của các quốc gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư là điều bắt buộc vì Đông Nam Á vẫn đang đi chệch hướng một cách đáng tiếc”.

Trong khi đó, chỉ có 4 trong số 10 quốc gia trong khu vực - gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam - đạt được tiến bộ trong việc định giá khí thải carbon.

Trong bối cảnh đó, báo cáo kêu gọi các chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ưu đãi chính sách và hợp tác khu vực cũng như tập trung vào các công nghệ xanh. Nếu được đầu tư đúng đắn, những nỗ lực này có thể giúp mở ra cơ hội kinh doanh hàng năm trị giá 300 tỷ USD vào năm 2030.

Đọc tiếp