Gần 4 năm mới có 12 giống lúa, ngô mới được lưu hành thông qua khảo nghiệm

Cây trồng NÔNG NGHIỆP
16:38 - 26/12/2023
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng thư ký VSTA Trần Xuân Định, nếu tính từ năm 2020 đến tháng 11/2023 sau khi Luật Trồng trọt có hiệu lực, chỉ có 12 giống lúa mới, 12 giống ngô mới được công nhận lưu hành thông qua khảo nghiệm theo quy định mới.

Sáng 26/12, Cục trồng trọt và Văn phòng Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam”.

Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Mai Hiên – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT cho biết, sau 3 năm triển khai Luật Trồng trọt đã mở ra một cách nhìn mới, đưa ra các quy định trong quá trình công nhận giống cây trồng.

Theo bà Hiên, Luật đã điều chỉnh các quy định quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho sản xuất và người sử dụng, tạo sự công bằng trong kinh doanh.

Các quy định tại Luật đã từng bước tiêu chuẩn và quy chuẩn hóa các yêu cầu về chất lượng đối với giống cây trồng, chuyển dần từ việc tiền kiểm sang hậu kiểm đối với một số hoạt động.

Ngoài ra, công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm cũng đã được quy định xã hội hóa, giảm áp lực cho cơ quan quản lý, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục công nhận giống.

Dù vậy, tại sự kiện do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức, bà Hiền cũng đưa ra 4 nội dung liên quan cần được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện. Bao gồm, công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng; bổ sung hướng dẫn về phương pháp giải trình tự gen; điều kiện gia hạn giống cây trồng; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam giống cây trồng chính.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thị Mai Hiên phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thị Mai Hiên phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Liên quan đến vấn đề khảo nghiệm, theo Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14, giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính (bao gồm ngô và lúa) phải được khảo nghiệm do tổ chức khảo nghiệm độc lập được công nhận đủ điều kiện thực hiện trước khi cấp hoặc gia hạn quyết định công nhận lưu hành, trừ trường hợp giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành đặc cách.

Trong khi đó, theo ông Trần Xuân Định - Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA), năm 2018 lượt giống tham gia khảo nghiệm VCU (Value of Cultivation and Use) là 684 lượt giống lúa và 310 lượt giống ngô; khảo nghiệm DUS (Distinctness, Uniformity, Stability) tổng số 140 lượt giống lúa, 31 với ngô.

Năm 2019 khi Luật Trồng trọt đã ban hành nhưng chưa có hiệu lực và chưa có tiêu chuẩn quốc gia, số lượt giống khảo nghiệm đã giảm nhẹ, trong đó khảo nghiệm VCU còn tổng 560 với lúa và 207 với ngô; DUS còn 142 với lúa và 25 với ngô.

Năm 2021 và 2022 số lượt giống lúa khảo nghiệm VCU giảm nhanh, chỉ còn tương ứng là 243 và 205 giống lúa; khảo nghiệm DUS giảm trầm trọng vào năm 2021, chỉ còn 41 lượt giống lúa và 38 lượt giống ngô. Năm 2023, khi Luật Trồng trọt có hiệu lực đầy đủ, số giống khảo nghiệm với lúa cũng chỉ được 223 và ngô là 176.

Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam Trần Xuân Định tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam Trần Xuân Định tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Theo ông Định, nếu tính từ năm 2020 đến tháng 11/2023 (sau khi Luật Trồng trọt có hiệu lực 1/1/2020) chỉ có 12 giống lúa mới, 12 giống ngô mới được công nhận lưu hành thông qua khảo nghiệm theo quy định mới.

So với nhu cầu thực tế số giống mới được công nhận lưu hành là quá ít, điều này làm giảm khả năng tiếp cận giống mới của nông dân và hạn chế các tiến bộ kỹ thuật chuyển giao vào sản xuất, ông Định nói.

Ông Định cho rằng, nguyên nhân của việc số giống gửi khảo nghiệm tụt giảm do Luật còn nhiều bất cập, Nghị định và văn bản hướng dẫn không chi tiết, minh bạch, chung chung và từ ngữ dễ gây hiểu lầm...

Ngoài ra, chi phí khảo nghiệm giống tăng, số điểm khảo nghiệm cho vùng sinh thái quy định không hợp lý và các yếu tố xã hội khác như dịch bệnh, chất lượng khảo nghiệm, số liệu đánh giá giống… khiến các nhà khoa học, cơ quan tác giả, doanh nghiệp làm công tác chọn tạo “nản” không muốn gửi giống để đấu loại vì rủi ro cao, khó đáp ứng để lưu hành và sản xuất kinh doanh.

Việc chậm trễ trong chỉ định đơn vị đủ tiêu chuẩn thực hiện khảo nghiệm VCU và DUS cũng một thời khiến các doanh nghiệp và tác giả băn khoăn, lo lắng khi mà luật đã có hiệu lực hơn 1 năm nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa chỉ định được đơn vị khảo nghiệm.

Tin liên quan

Đọc tiếp