Ngày 24/2/2022, Nga chính thức tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm "mục đích phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine" như Moscow tuyên bố. Tuy nhiên, phía Ukraine và các đồng minh phương Tây bác bỏ tuyên bố này trong khi khẳng định hành động của Nga là “hung hăng” và “vô lý”.
Reuters cho biết do chiến sự diễn biến ác liệt, hàng triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa và đất nước trong khi các ngành công nghiệp nặng và nông nghiệp bị phá hủy. Các vụ không kích các cơ sở hạ tầng trên khắp Ukraine của quân đội Nga cũng khiến nước này gặp thiệt hại nặng nề về lưới điện.
Hiện Ukraine chỉ có quyền tiếp cận rất hạn chế tới các cảng ở Biển Đen – cảng quan trọng đối với xuất khẩu ngũ cốc và kim loại, trụ cột của nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Ukraine.
Dữ liệu từ Bộ Kinh tế Ukraine cho thấy trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nói chung giảm 35% so với năm 2021 trong khi khối lượng các loại hàng hóa giảm 38,4%. Sản lượng ngũ cốc của Ukraine giảm xuống còn 53 triệu tấn vào năm 2022, một mức thấp đáng kể so với con số kỷ lục 86 triệu tấn vào năm 2021.
Trong khi đó, một ngành quan trọng khác của nền kinh tế là công nghiệp kim loại thậm chí còn chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng hơn. Ví dụ như sản lượng thép của Ukraine giảm tới 71% sau khi một số nhà máy hàng đầu bị phá hủy hoặc chiếm đóng.
Tuy nhiên theo dữ liệu từ chính phủ Ukraine, một điểm tích cực duy nhất trong bức tranh u ám này là kết quả tăng trưởng GDP năm 2022 tốt hơn một chút so với con số dự đoán suy giảm 30% được đưa ra trước đó.
Trong năm 2023, Kiev cho biết GDP có thể tăng trưởng 1% do tình hình trong các lĩnh vực vận tải, bán lẻ và xây dựng được cải thiện. Ngược lại, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu công bố tháng 4 đưa ra dự đoán GDP năm 2023 của Ukraine sẽ tiếp tục sụt giảm nhưng chỉ ở mức 3%.
Khung cảnh đổ nát do chiến sự tại Gorenka, ngoại ô Kiev, Ukraine tháng 3/2022. Ảnh: AP |
Do chiến sự chưa có dấu hiệu kết thúc, chi phí ước tính cho việc tái thiết Ukraine cũng đang tăng ngày một cao. Theo báo cáo mới nhất từ chính phủ Ukraine, Ngân hàng Thế giới, Ủy ban châu Âu và Liên Hợp Quốc hồi tháng 3/2023, chi phí tái thiết và phục hồi kinh tế Ukraine từ ảnh hưởng của việc giao tranh với Nga hiện đã tăng lên mức 411 tỷ USD.
Báo cáo mới này ghi nhận mức chi phí tái thiết Ukraine gia tăng 60 tỷ USD so với những đánh giá trước đó được những cơ quan này công bố hồi tháng 9/2022. Cụ thể, chi phí tái thiết Ukraine trong báo cáo tại thời điểm đó được ước tính vào mức 349 tỷ USD. Các số liệu cũng chỉ ra rằng phần lớn thiệt hại đối với quốc gia này xảy ra trong 6 tháng đầu tiên của cuộc xung đột đang diễn ra với Nga, bắt đầu từ cuối tháng 2/2022.
Hãng tin RT trích dẫn đánh giá này cho biết Kiev sẽ cần 14 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2023 để đổ vào các khoản đầu tư tái thiết quan trọng và được ưu tiên nhất. Mức chi phí ước tính này cũng đồng nghĩa với việc chính phủ Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ cần 11 tỷ USD tài trợ từ bên ngoài, ngoài các khoản đã được phân bổ cho các nhiệm vụ này trong ngân sách hàng năm.
Trong một tuyên bố chính thức, Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal cho biết chi phí tái thiết và phục hồi trị giá 411 tỷ USD khổng lồ này không bao gồm dữ liệu về thiệt hại cơ sở hạ tầng, nhà ở và cơ sở kinh doanh tại “các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”.
Tuyên bố của ông đề cập tới các vùng lãnh thổ của Ukraine đã được Nga sáp nhập trong năm 2022 sau các cuộc trưng cầu dân ý, bao gồm vùng Kherson và Zaporozhye cùng với Donetsk và Lugansk. Bán đảo Crimea trước đó vào năm 2014 cũng đã tách khỏi Ukraine và thực hiện trưng cầu dân ý để trở thành một phần của Nga.