Người tiêu dùng mua hàng tại Lianyungang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: China Daily |
Theo báo cáo của NBS, mức tăng trưởng GDP 4,7% của quý 2/2024 chậm hơn mức ghi nhận được trong quý 1 trước đó là 5,3% và thấp hơn mức dự đoán 5,1% đưa ra trong một cuộc thăm dò 30 chuyên gia kinh tế của hãng tin Nikkei Asia. Trên cơ sở hàng quý, GDP quý 2/2024 của Trung Quốc tăng 0,7%, thấp hơn mức 1,5% sửa đổi được ghi nhận cho quý trước đó.
Phát ngôn viên của NBS khẳng định hiệu quả hoạt động của nền kinh tế “nói chung là ổn định”, tuy nhiên thừa nhận rằng: "Môi trường bên ngoài hiện rất phức tạp, nhu cầu trong nước vẫn chưa đủ và nền tảng phục hồi kinh tế vẫn cần được củng cố”.
Nhìn chung trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5%, đạt được mục tiêu cả năm “khoảng 5%” mà chính phủ nước này đề ra trước đó. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn đang bày tỏ một số lo ngại liên quan tới thị trường bất động sản ảm đạm, nhu cầu tiêu dùng yếu và căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ và EU.
Nỗ lực mới nhất của chính phủ nhằm giải cứu thị trường bất động sản bằng cách mua lại những ngôi nhà chưa bán được và cắt giảm lãi suất thế chấp cho đến nay không tạo được tác dụng thúc đẩy mong đợi. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số liệu chính thức cho thấy đầu tư vào bất động sản giảm 10,1% trong khi giá nhà tiếp tục giảm ở các thành phố trên cả nước.
Phát ngôn viên NBS cũng thừa nhận: “Chúng ta cũng nên thấy rằng các chỉ số liên quan đến bất động sản hiện tại vẫn đang giảm và thị trường bất động sản vẫn đang trong quá trình điều chỉnh và chuyển đổi”.
Về lĩnh vực bán lẻ, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tại Trung Quốc, thước đo chi tiêu hộ gia đình, tăng 2,0% trong tháng 6 vừa qua, thấp hơn so với mức 3,7% của tháng 5 trước và thấp hơn nhiều so với dự báo 3,4% của Nikkei Asia. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022 bất chấp việc chính phủ Trung Quốc tiến hành các chương trình trợ giá tích cực nhằm khuyến khích người tiêu dùng thay thế các thiết bị và ô tô cũ. Doanh số bán ô tô tại Trung Quốc giảm 6,2% trong tháng 6, ghi nhận việc suy giảm tháng thứ 4 liên tiếp.
Tiêu dùng ảm đạm cũng được thể hiện trong dữ liệu giá tiêu dùng và nhập khẩu yếu, góp phần khiến tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp vào tháng 6 đạt 5,3%, giảm so với mức 5,6% được ghi nhận vào tháng 5. Tuy nhiên, con số này cao hơn dự báo 5% của Nikkei Asia.
Xuất khẩu tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc trong quý 2/2024 khi tăng 8,6% trong tháng 6, đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 3/2023.
Nhận định về tình hình trước mắt, người phát ngôn NBS khẳng định điều kiện thuận lợi “mạnh hơn yếu tố bất lợi” nhưng cho biết: “Bước sang nửa cuối năm, môi trường bên ngoài ngày càng bất ổn trong khi môi trường trong nước vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức”.