Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do giá cao su xuất khẩu giảm mạnh, nên trị giá xuất khẩu cao su thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sự phục hồi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc yếu hơn so với các dự báo, khiến sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán cao su đều ở mức thấp. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần có chiến lược tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu.
Theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 2,14 triệu tấn, trị giá 2,89 tỷ USD, giảm 0,04% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với năm 2022. Giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.350 USD/tấn, giảm 12,7% so với năm 2022.
Thời gian tới, nhu cầu Trung Quốc vẫn là yếu tố chủ chốt tác động lên diễn biến giá cao su tại Việt Nam. Bên cạnh đó, biến động của giá dầu do lo ngại gián đoạn thương mại tại kênh đào Suez cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp lên giá cao su.
Năm 2024, dự kiến Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tiêu thụ ô tô, cũng như thúc đẩy các hoạt động sản xuất, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cao su để sản xuất lốp xe và các sản phẩm khác tăng lên. Việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su sẽ là động lực tăng giá cao su toàn cầu. Trong khi, gần 80% tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam là được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ảnh: Cục Xuất nhập khẩu |
Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2023, cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm tới 91,45% về lượng và chiếm 91,2% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 79,22% về lượng và chiếm 78,08% về trị giá, đạt 1,48 triệu tấn cao su, trị giá 1,96 tỷ USD, tăng 7,9% về lượng nhưng giảm 5,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đứng thứ hai là Ấn Độ, chiếm 5,34% về lượng và chiếm 5,49% về trị giá, đạt 100,06 nghìn tấn với kim ngạch 138,26 triệu USD, giảm lần lượt 12,2% và 29,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Ảnh: Cục Xuất nhập khẩu |